TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC HỖ TRỢ, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG YẾU THẾ TẠI ĐỊA PHƯƠNG – MỘT SỐ VƯỚNG MẮC, KHÓ KHĂN VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch[1]

I. Tình hình thực hiện công tác hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế tại địa phương.

1.1. Công tác trợ giúp pháp lý

Trợ giúp pháp lý (TGPL) được xem là một trong những chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam khi những người được hưởng chế độ này sẽ không phải tốn bất kì khoản tiền nào vì đây là hoạt động được Nhà nước hỗ trợ, không thu phí nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Điều này đã được thể hiện một cách rõ ràng, đầy đủ tại Điều 2, khoản 4 Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Trong đó nêu rõ “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý” và “Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý”. Đây không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội như: người già, người nghèo, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em…, giúp đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật của tất cả người dân mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn các địa phương trên cả nước.

Ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đối tượng chính sách. Hiện tại, trên toàn quốc có 63 Trung tâm TGPL của Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 40 tổ chức ký hợp đồng với Sở Tư pháp (31 tổ chức hành nghề luật sư, 09 tổ chức tư vấn pháp luật, số tổ chức ký hợp đồng với Sở Tư pháp (tăng 08 tổ chức) so với cùng kỳ năm 2020), 193 tổ chức đăng ký tham gia TGPL (160 tổ chức hành nghề luật sư, 33 tổ chức tư vấn pháp luật, số tổ chức đăng ký tham gia giảm 04 tổ chức so với cùng kỳ năm 2020 là 197 tổ chức đăng ký tham gia)[2].

Song song với việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, các Trung tâm cũng tích cực thực hiện công tác kiện toàn đội ngũ người thực hiệnTGPL,theo đó tổng số biên chế được giao cho các Trung tâm tính đến thời điểm 31/10/2021là:1.377 người; số lượng người làm việchiện có là:1.237 người, trong đó có 669 Trợ giúp viên pháp lý (chiếm 54,08% trong tổng biên chế hiện có, tăng 35 người so với cùng kỳ năm 2020). Cả nước hiện có 667 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL(tăng 22 người)và 48 Cộng tác viên thực hiện TGPL(tăng 7 người) so với cùng kỳ năm 2020theo báo cáo số 90/BC-CTGPL ngày 01/03/2022 của Cục trợ giúp pháp lý[3].

Có thể nói, việc thành lập các Trung tâm TGPL là một trong những chính sách đúng đắn, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước trong thời đại mới, giúp người dân được tiếp cận các chính sách hỗ trợ pháp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

1.2. Tình hình thực hiện công tác Trợ giúp pháp lý tại địa phương

Đa số các cơ quan tiến hành tố tụng đã nghiêm túc thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo quy định. Khi phát hiện có đối tượng thuộc diện TGPL đã thông báo cho các Trung tâm để Trung tâm xác minh nếu đúng diện người được TGPL thì cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm tham gia bào chữa hoặc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.

Chính từ hoạt động phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa Trung tâm và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà số lượng người thuộc diện TGPL trong các vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận, giải quyết thông tin, thông báo đến Trung tâm ngày càng cao. Theo số liệu thống kê năm 2021, tổng số người bị buộc tội, người bị hại, đương sự trong các vụ án là người thuộc diện được TGPL được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin, thông báo là: 27.000 người (tăng 3.921 người so với năm 2020), trong đó cơ quan Công an giới thiệu là: 13.172 người, Tòa án: 9.614 người, Viện kiểm sát: 3.900 người, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (không thuộc các cơ quan điều tra, trại tạm giam, nhà tạm giữ của Bộ Công an) là: 314 người[4].

II. Một số vướng mắc, khó khăn trong công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương

Nhìn chung, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL tại các địa phương còn một số khó khăn sau đây:

- Đầu tiên, công tác truyền thông về TGPL đã được đẩy mạnh nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chưa đến với tất cả đối tượng TGPL. Hơn nữa kỹ năng truyền thông và các nội dung, phương thức truyền thông đôi khi chưa thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng (người dân tộc, trẻ em, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình...) nên một số thông tin về TGPL chưa được truyền đạt theo cách dễ nhớ, dễ hiểu, tạo ấn tượng để người dân hiểu và lưu lại thông tin về TGPL để tìm đến khi cần. Thời lượng và chất lượng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc điểm của từng nhóm dân cư, cũng như đặc thù của các vùng miền hay từng dân tộc khác nhau. Vì vậy, có tình trạng bỏ sót người thuộc diện được TGPL do một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt là nhóm người nghèo, người Dân tộc thiểu số chưa biết đến TGPL.

- Tiếp theo, một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa đề nghị Trung tâm TGPL cử người bào chữa cho người thuộc diện được TGPL trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa. Điều này vô tình đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, tại các phiên tòa nhiều trường hợp nhờ có TGPL đã làm rõ được tình tiết, làm thay đổi nội dung vụ án theo hướng có lợi cho người được TGPL. Ngoài ra còn có một số trường hợp, khi bị bắt giữ đối tượng không khai rõ ràng về lai lịch, sau khi xác minh ở địa phương thì xác định đối tượng thuộc diện được TGPL nên dẫn đến việc tiến hành các thủ tục TGPL chậm trễ.

- Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên không thể tổ chức công tác họp Hội đồng định kỳ và thực hiện kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn địa phương theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Thông tư liên tịch 10/2018/TTLT như đã đề ra là báo cáo được thực hiện 02 lần hằng năm. Ngoài ra, một số ngành thành viên Hội đồng còn chưa đảm bảo thời hạn báo cáo dẫn đến công tác tổng hợp báo cáo của Thường trực Hội đồng còn bị động, không đúng thời hạn.

III. Đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả TGPL tại địa phương

Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về TGPL nói chung và quyền được TGPL của người dân nói riêng.

Đa dạng hóa, tạo các kênh thông tin khác nhau, các phương thức truyền thông về TGPL (qua báo, đài phát thanh, truyền hình, internet,…) phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân. Chẳng hạn như xây dựng video, kịch bản liên quan đến câu chuyện pháp luật; đối với các đồng bào dân tộc thì biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc. Đồng thời cần có sự phối hợp giữa tổ chức thực hiện TGPL với các cơ quan truyền thông, đại chúng.

Thứ hai, nâng cao năng lực của đội ngũ những người thực hiện TGPL

Căn cứ nhu cầu TGPL, tình hình thực tế mà mỗi địa phương cần xác định rõ số lượng người thực hiện TGPL, nhất là trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL để trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, tuyển dụng viên chức nhằm tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý hoặc đưa ra tiêu chí để ký hợp đồng với các luật sư; đồng thời, chủ động trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện TGPL cho đội ngũ này. Cụ thể, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác TGPL của địa phương hằng năm và dài hạn.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về TGPL

Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về TGPL cần thực hiện theo hướng bảo đảm minh bạch, công khai và đơn giản hóa các thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia TGPL và người dân tiếp cận dịch vụ TGPL, đặc biệt là ứng dụng điện tử trong việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến, hướng đến Chính phủ điện tử. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp cùng với việc xây dựng Chính phủ điện tử, chúng ta cũng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL nói chung và trong quản lý TGPL nói riêng, nhất là trong việc giám sát, đánh giá chất lượng và hiệu quả TGPL.

Thứ tư, phổ biến công tác TGPL đến những vùng kinh tế - xã hội khó khăn

Mặc dù trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, xã hội hóa mạnh mẽ dịch vụ công nói chung, tuy nhiên Nhà nước cần tính đến yếu tố con người ở các tỉnh miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ít có cơ hội tiếp cận với các thông tin về TGPL. Hơn nữa, cùng với tâm lý truyền thống giải quyết các sự vụ theo thói quen và phong tục, tập quán của nơi mình sinh sống. Đây là một rào cản lớn đối với người dân khi có lợi ích bị xâm hại nhưng không được tiếp cận với hoạt động TGPL. Vậy, để bảo đảm những người là đối tượng được TGPL khi có nhu cầu thì sẽ có người thực hiện cung ứng dịch vụ cần tăng cường số lượng người thực hiện TGPL ở những nơi này./.



[1] Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch- Trưởng Ban Trợ giúp pháp lý, Ủy viên Ban chủ nhiệm ĐLSTPHCM.

 

[2] Bộ Tư pháp – Trợ giúp pháp lý Việt Nam (đăng ngày 11/02/2022), “Bàn về một số định hướng triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới”  https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=1897&l=Nghiencuutraodoi, truy cập ngày 20/10/2022.

[3]Điểm b Mục 4 Chương I Phần A Báo cáo số 90/BC-CTGPL ngày 01/3/2022 của Cục trợ giúp pháp lý – Bộ tư pháp báo cáo tổng kết công tác trợ giúp pháp lý năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2022.

[4]Điểm b Mục 4 Chương I Phần A Báo cáo số 90/BC-CTGPL ngày 01/3/2022 của Cục trợ giúp pháp lý – Bộ tư pháp báo cáo tổng kết công tác trợ giúp pháp lý năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2022.

Tin tức khác


   Trang sau >>