MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI LUẬT LUẬT SƯ

MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI LUẬT LUẬT SƯ

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm

(Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật)

Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời chào và lời cảm ơn trân trọng đến Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã mời tôi dự Hội thảo về việc tổ chức tổng kết thực hiện Luật Luật sư vào chiều ngày 09/12/2022. Tiếp theo đây, tôi trình bày một số vướng mắc trong quá trình hành nghề luật sư và một số kiến nghị sửa đổi Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và đã bãi bỏ khoản 3 Điều 27 bởi Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (viết tắt là Luật Luật sư) như sau:

I. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

1. Số lượng luật sư so với dân số ở nước ta hiện nay vẫn còn rất thấp và đã, đang có sự phát triển mất cân đối lớn giữa các khu vực, vùng, miền(thành thị - nông thôn, miền núi - đồng bằng, trung du và vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn; ví dụ: có những tỉnh chỉ có vài luật sư như Cao Bằng, Sơn La, Mộc Châu...nhưng có những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đến nhiều trăm luật sư như Đồng Nai, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng.., nhiều ngàn luật sư như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội) do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu quy định pháp luật khuyến khích, thu hút luật sư hành nghề ở những vùng xa, vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn.

2. Mặc dù số lượng luật sư còn rất thấp so với dân số hiện nay ở nước ta nhưng vẫn không ít luật sư không có hoặc không đủ việc làm, mà hai trong những nguyên nhân đó là do:

a. Số lượng vụ việc, vụ án có luật sư tham gia trên tổng số vụ việc, vụ án các cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết thấp do thói quen, ý thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về sự cần thiết sử dụng dịch vụ luật sư chưa cao. Một số trường hợp sự tham gia của luật sư về tố tụng trong các vụ án, việc dân sự, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, dịch vụ pháp lý khác còn chưa được một số cá nhân, cơ quan, tổ chức tạo điều kiện hoặc do sự bất nhất, linh hoạt giải quyết về thủ tục của cơ quan tiến hành tố tụng, do quy định chưa hợp lý, dẫn đến có sự không công bằng giữa các luật sư về thủ tục. Ví dụ:

- Có một số vụ án mà bị can hoặc gia đình họ nhờ luật sư tham gia bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra thì có cơ quan điều tra chậm giải quyết, chậm vào sổ đăng ký bào chữa, chậm gửi văn bản thông báo đăng ký người bào chữa cho luật sư.

- Có một số vụ án mà do ở quá xa, do tính chất cấp bách, luật sư không trực tiếp đến ngay được cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục đăng ký bào chữa, đăng ký là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên trên cơ sở yêu cầu của cơ quan đó, đã gửi hồ sơ đăng ký (trong đó có bản sao chứng thực Thẻ luật sư) qua dịch vụ bưu chính là được chấp nhận. Lại có những trường hợp luật sư phải xuất trình bản chính Thẻ luật sư cùng bản sao có chứng thực Thẻ này theo quy định của luật, đồng nghĩa với việc luật sư phải trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng làm thủ tục đăng ký thì mới được chấp nhận. Trong khi đó, nước ta đang trong giai đoạn chuyển đổi số, hướng đến cải cách tư pháp tiến bộ, hiện đại, nhanh chóng. Đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, các tài liệu, chứng cứ khác còn được pháp luật cho phép gửi qua dịch vụ bưu chính viễn thông, qua cổng thông tin điện tử của Tòa án. Do đó, Luật Luật sư, quy định pháp luật liên quan (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính hiện hành) quy định luật sư phải xuất trình Thẻ luật sư khi làm thủ tục đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tức là đồng nghĩa với việc phải trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng làm thủ tục đăng ký trong mọi trường hợp mà không cho gửi hồ sơ đăng ký qua dịch vụ bưu chính là không hợp lý và không phù hợp thực tiễn.

b. Luật Luật sư chưa có quy định bắt buộc mỗi doanh nghiệp phải có luật sư, giống như pháp luật đã quy định mỗi doanh nghiệp phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán, nếu không thì bị xử phạt hành chính.

Một doanh nghiệp ra đời, hoạt động, tồn tại, phát triển, thậm chí giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản đòi hỏi phải hiểu biết, thực hiện rất nhiều quy định pháp luật (về góp vốn, thuê (mượn...) trụ sở, thủ tục thành lập doanh nghiệp, xác định ngành nghề sản xuất, kinh doanh, cơ cấu tổ chức, lao động, bảo hiểm, kế toán, tài chính, thuế, cách thức điều hành doanh nghiệp, xác lập, thay đổi, chấm dứt giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại trong, ngoài nước, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, khởi kiện, thi hành án...). Tuy nhiên, doanh nghiệp còn ít có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư, thông thường dựa vào sự tự nhận thức, thói quen, kinh nghiệm làm việc, mối quan hệ quen biết... Thế nhưng Luật Luật sư chưa quy định mỗi doanh nghiệp phải có luật sư. Trong khi đó, kế toán, tài chính tuy cũng quan trọng nhưng chỉ là một trong những hoạt động của doanh nghiệp nhưng từ nhiều năm nay, Luật Kế toán năm 2015 và văn bản hướng dẫn dưới luật đã quy định mỗi doanh nghiệp phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán, nếu không thì bị xử lý vi phạm hành chính. Vì thế, về phía doanh nghiệp, nhiều khi thực tế đó dẫn đến những hậu quả, thiệt hại pháp lý khôn lường, ngăn cản sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp; về phía luật sư, không có hoặc ít việc làm; còn về phía quản lý Nhà nước và xã hội, cộng đồng, có khi gây thiệt hại hoặc bị thiệt hại, không dung hòa được lợi ích của quốc gia, Nhà nước, công cộng, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác.

3.Có khi có sự tùy nghi của tổ chức trọng tài thương mại, của Hội đồng trọng tài thương mại về việc xác định vai trò, quyền, nghĩa vụ của luật sư tham gia tố tụng trọng tài thương mại.   

Trong vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại, luật sư tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hoặc của bị đơn ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, tại Điều 22 của Luật Luật sư (phạm vi hành nghề luật sư) không đề cập đến luật sư trong tư cách này và trong Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 cũng không đề cập đến luật sư trong tư cách này, quyền và nghĩa vụ của luật sư trong tư cách này. Vì vậy, vai trò, vị trí, quyền, nghĩa vụ của luật sư với tư cách là người người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hoặc của bị đơn có khi không được xác định rõ ràng, mà tùy thuộc vào Quy tắc tố tụng trọng tài của một tổ chức trọng tài cụ thể có quy định hay không; tùy thuộc vào quan điểm của Hội đồng trọng tài, nếu Quy tắc tố tụng trọng tài không quy định vấn đề này. Từ đó, dẫn đến vướng mắc trên.

4. Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động, mà không được lựa chọn hợp đồng khác là không phù hợp nhu cầu và thực tiễn.

Trước đây, tại khoản 1 Điều 23 của Luật Luật sư năm 2006 quy định việc luật sư:“Hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư, làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư.”Quy định này đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cho phépluật sư và tổ chức hành nghề luật sư lựa chọn loại hợp đồng phù hợp với mình như hợp đồng lao động, hợp đồng hợp tác, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng khoán việc... Kể từ ngày 01/7/2013 - ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 có hiệu lực đến nay, về pháp lý, luật sư làm việc theo hợp đồng lao động. Trong khi đó, quan hệ giữa luật sư và tổ chức hành nghề luật sư không phải lúc nào về bản chất cũng là quan hệ lao động, mà đối với việc luật sư giải quyết một hay một vài vụ việc cho khách hàng chỉ mang tính chất thời vụ, chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định, là công việc không có tính chất ổn định và lâu dàithì có nhiềutrường hợp, xét về bản chất không phải đúng nghĩa là hợp đồng lao động(vì các bên không có quan hệ, gắn bó, ràng buộc chặt chẽ về việc trả lương, điều kiện làm việc, quyền, nghĩa vụ giữa người lao động và người sử dụng lao động; thêm nữa, luật sư khi nhận vụ việc, nhất là tham gia tố tụng, đại diện theo theo ủy quyền độc lập trong việc ứng xử, giải quyết công việc, chịu trách nhiệm cá nhân trước cơ quan tiến hành tố tụng...). Thực tế, có khi luật sư nhận thực hiện một vụ việc cụ thể và hoàn thành vụ việc đó chỉ trong vòng hai ngày; nhiều tháng sau đó, mới nhận 01 vụ việc khác, làm xong trong một tuần; rồi hơn hai tuần sau, lại nhận 01 vụ việc khác. Việc này dẫn đến những vướng mắc, rắc rối là khi thuộc những trường hợp trên thì chấm dứt hợp đồng lao động, sau đó, lại giao kết hợp đồng lao động mới, tiếp đó, chấm dứt hợp đồng lao động, sau nữa, lại giao kết hợp đồng lao động mới; hơn nữa, còn phải báo cáo nhiều lần về những thay đổi tình hình lao động, bảo hiểm xã hội, dẫn đến không báo hay quên báo cáo, báo cáo không đầy đủ. Thực tế nữa, nhu cầu giao kết hợp đồng hợp tác, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng khoán việc giữa luật sư và tổ chức hành nghề luật sư là có thật, phù hợp với mong muốn của các bên và hợp đồng hợp tác là một trong những loại hợp đồng thông dụng, được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng cộng tác, hợp đồng khoán việc là những loại hợp đồng phổ biến trong thực tiễn. Vì vậy, với quy định hiện hành của Luật Luật sư là luật sư làm việc theo hợp đồng lao động (mà không được lựa chọn loại hợp đồng khác) là sự vướng mắc về hành nghề luật sư, cần được tháo gỡ.

5. Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong một số trường hợp hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật Luật sư mà không giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản bị xem là vi phạm Luật Luật sư liệu có phù hợp?

Theo Điều 26 của Luật Luật sư thì luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản và có những nội dung chính theo khoản 2 Điều này, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ qua, tổ chức. Như vậy, đối với các trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người thân thích của mình theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, ông, bà nội, ngoại, bác, cô, chú, dì, cháu, chắt...) cần xem xét lại có cần bắt buộc giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý theo Điều 26 của Luật Luật sư hay không? Còn việc cung cấp dịch vụ pháp lý về việc tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc của báo, bạn nghe, xem của đài; cho cá nhân, cơ quan, tổ chức theo hoạt động phong trào, trợ pháp lý của Đoàn luật sư; theo hoạt động trợ giúp pháp lý của Liên đoàn mà không giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản có nội dung chính theo khoản 2 Điều 26 của Luật Luật sư, xét đơn thuần về luật là không đúng. Tuy nhiên, về thực tế, quy định “cứng” như vậy là ít khả thi, không hợp tình.

6. Quy định công bố nội dung đăng ký hoạt động hoặc nội dung thay đổi hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư như Điều 38 của Luật Luật sư không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành và không tạo điều kiện thuận lợi cho việc công khai, tra cứu thông tin tập trung ở một đầu mối.

Hiện nay, theo tôi được biết, báo giấy khi xuất bản thì có số và có xu hướng giảm nhiều, còn báo điện tử đã không có số và có xu hướng tăng nhanh, phổ biến. Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã tồn tại từ nhiều năm nay, là nơi quen thuộc, thuận tiện để thông báo công khai, để tra cứu thông tin đăng ký hoạt động của doanh nghiệp. Theo Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Điều 33 Luật Doanh nghiệp năm 2014 trước đây) đã quy định doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai và phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Vì thế, theo tôi, quy định công bố nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư như Điều 38[1]của Luật Luật sư (Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, kể từ ngày thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải đăng báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động hoặc báo chuyên ngành luật trong ba số liên tiếp về những nội dung chính theo quy định tại Điều này) không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và không tạo điều kiện thuận lợi cho việc công khai, tra cứu thông tin tập trung ở một đầu mối.

7. Tại Điều 39, Điều 40 của Luật Luật sư quy định là tổ chức hành nghề luật sư có quyền, nghĩa vụ theo Luật Luật sư (liệt kê một số quyền, nghĩa vụ...) và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, do không quy định ngay trong Luật Luật sư về việc Chính phủ quy định chi tiết quy định này và pháp luật liên quan quy định cụ thể nên dễ dẫn đến những vướng mắc

Theo Điều 39, Điều 40 của Luật Luật sư thì tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng luật sư, công ty luật) có quyền, nghĩa vụ theo Luật Luật sư (liệt kê một số quyền, nghĩa vụ...) và quy định khác của pháp luật có liên quan.Từ đó cho thấy, tổ chức hành nghề luật sư chịu sự điều chỉnh chính của Luật Luật sư, Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong khi đó, Luật Luật sư là từ năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 không quy định chi tiết về văn phòng luật sư, công ty luật; còn Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định chung cho các doanh nghiệp nên nhiều quy định không phù hợp. Ví dụ: văn phòng luật sư không phải là doanh nghiệp tư nhân, mà hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (Điều 33 của Luật Luật sư) nên không thể áp dụng đúng, đủ các quy định của Luật Doanh nghiệp. Công ty luật (hợp danh, TNHH) không có huy động vốn, tín dụng từ các cá nhân, tổ chức, không phát hành trái phiếu, chỉ do cá nhân thành lập, chứ không do tổ chức thành lập, không thành lập công ty con, không góp vốn vào công ty khác, chỉ được chuyển nhượng, tặng cho vốn cho luật sư. Tổ chức hành nghề luật sư không chỉ có nghĩa vụ chấp hành theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, Điều lệ Công ty, Luật Doanh nghiệp, Luật Luật sư mà còn chịu sự ràng buộc của Điều lệ Liên đoàn, Nội quy Đoàn Luật sư, Bộ Quy tắc và những quy chế, quy định khác của Liên đòan, Đoàn Luật sư.Tuy nhiên, do không quy định ngay trong Luật Luật sư về việc Chính phủ quy định chi tiết quy định này và pháp luật liên quan quy định cụ thể nên dễ dẫn đến những vướng mắc

8. Luật Luật sư không quy định cho các tổ chức hành nghề luật sư trong nước được hợp tác với nhau nhưng thực tế, vẫn có việc hợp tác này, khi xảy ra tranh chấp, dễ gặp vướng mắc khi giải quyết tranh chấp.

Luật Luật Luật sư không quy định các tổ chức hành nghề luật sư trong nước hợp tác với nhau mà tại khoản 5 Điều 39 của Luật Luật sư quy định tổ chức hành nghề luật sư được hợp tác với tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, có việc một số tổ chức hành nghề luật sư trong nước giao kết hợp đồng hợp tác với nhau, dẫu không có quy định khung của pháp luật về sự hợp tác này với lý do: việc hợp tác này, pháp luật không nghiêm cấm thì được làm và theo nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật tại khoản 5 Điều 39 của Luật Luật sư và căn cứ theo quy định về hợp đồng hợp tác tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, khi xảy ra tranh chấp, dễ gặp vướng mắc khi giải quyết tranh chấp.

 9.Đến nay, đã trên 15 năm, quy định tại Điều 91 của Luật Luật sư về xử lý vi phạm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ vẫn chưa khả thi

Thực tiễn, có việc cá nhân, cơ quan, tổ chức xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ. Tại khoản 2 Điều 9 của Luật Luật sư đã nghiêm cấm cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư. Tại Điều 91 của Luật Luật sư năm 2006 đã quy định chung về chế tài kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường đối với người có chức vụ, quyền hạn xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ. Tuy nhiên, do không quy định ngay trong Luật Luật sư về việc Chính phủ quy định chi tiết quy định này và pháp luật liên quan quy định cụ thể quy định chế tài này nên đến nay, vẫn chưa đảm bảo tính khả thi của khoản 2 Điều 9 và Điều 91 của Luật Luật sư. Trong khi đó, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư vi phạm quy định của Luật Luật sư thì việc xử lý đã được quy định chi tiết, cụ thể không những từ năm 2006 bằng Nghị định số 76/2006/NĐ- CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ, sau đó được quy định lần lượt trong 03 Nghị định lần lượt thay thế (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ), mà còn được quy định trong các quy định, quy chế của Liên đoàn, Đoàn luật sư.

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI LUẬT LUẬT SƯ

1. Về quan điểm chung

Tôi đồng ý với quan điểm chung của Bộ Tư pháp ngày 14/11/2022 về việc đề nghị xây dựng Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư hiện nay là: hoàn thiện thể chế pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư ở Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư; tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền hành nghề của mình, thông qua đó, luật sư góp phần bảo vệ công lý, hạn chế các sai sót của các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động luật sư. Phát triển nghề luật sư chú trọng về chất lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu về tập quán pháp luật quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, chú trọng phát triển đa dạng các lĩnh vực hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đối với việc “Phát triển nghề luật sư về chất lượng...”, tôi đề nghị xác định rõ là: “Phát triển nghề luật sư chú trọng về chất lượng”.

2. Một số kiến nghị sửa đổi cụ thể đối với Luật Luật sư

Từ những vướng mắc nêu trên và căn cứ quan điểm chung về sửa đổi Luật Luật sư hiện hành, tôi có một số kiến nghị sửa đổi cụ thể là:

2.1. Quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích, thu hút, hỗ trợ luật sư hành nghề ở các vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn.

2.2.Quy định mỗi doanh nghiệp phải có luật sư.

2.3. Quy định làm thủ tục đăng ký luật sư (bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự) trực tiếp, trực tuyến, qua cổng thông tin điện tử, dịch vụ bưu chính viễn thông, không buộc xuất trình bản chính Thẻ luật sư, trừ khi làm thủ tục đăng ký trực tiếp tại cơ quan tiến hành tố tụng.

2.4. Quy định luật sư tham gia tố tụng bằng trọng tài với tư cách đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

2.5. Quy định khi luật sư làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư theo hợp đồng thì là theo hợp đồng bằng văn bản (để các bên được lựa chọn loại hợp đồng) mà không quy định là phải theo hợp đồng lao động.

2.6.Quy định luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc của báo, bạn nghe, bạn xem của đài; cho cá nhân, cơ quan, tổ chức theo hoạt động phong trào, trợ pháp lý của Đoàn luật sư, theo hoạt động trợ giúp pháp lý của Liên đoàn không bắt buộc phải giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản có nội dung chính theo quy định của Luật Luật sư.

Còn đối với việc luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người thân thích của mình theo Luật Hôn nhân và Gia đình thì cần có sự khảo sát, đánh giá, đề xuất sau.

2.7. Quy định tổ chức hành nghề luật sư sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động hoặc trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động thì phải công bố những nội dung đó trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn và theo phương thức quy định của Luật Luật sư.

2.8. Ngoài việc quy định chung về khái niệm, đặc điểm, tính chất, quyền, nghĩa vụ  chung, cơ bản của tổ chức hành nghề luật sư thì cần quy định ngay trong Luật Luật sư là Chính phủ quy định chi tiết quy định này và pháp luật liên quan quy định cụ thể vấn đề này.

2.9. Ngoài việc vẫn giữ nguyên quy định về xử lý vi phạm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoặc cản trở luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ thì cần quy định ngay trong Luật Luật sư là Chính phủ quy định chi tiết quy định này và pháp luật liên quan quy định cụ thể quy định chế tài này.

Trên đây ý kiến của tôi về một số vướng mắc trong quá trình hành nghề nghề luật và một số kiến nghị sửa đổi Luật Luật sư, kính gửi đến Ban tổ chức Hội thảo xem xét, tổng hợp.

Trân trọng cảm ơn.



[1] Điều 38 Luật Luật sư: “1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải đăng báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động hoặc báo chuyên ngành luật trong ba số liên tiếp về những nội dung chính sau đây:

a) Tên tổ chức hành nghề luật sư;

b) Địa chỉ trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch;

c) Lĩnh vực hành nghề;

d) Họ, tên, địa chỉ, số Chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư là Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật và các thành viên sáng lập khác;

đ) Số Giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động, ngày, tháng, năm cấp Giấy đăng ký hoạt động.

2. Trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải công bố những nội dung thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều này.”

 

Tin tức khác


   Trang sau >>