ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HỒ CHÍ MINH GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU

Ngày 06/10/2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu. Ban Xây dựng pháp luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tham gia và đóng góp một số ý kiến đối với Dự thảo Luật đấu thầu (gọi tắt là Dự thảo LĐT). Website Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh xin đăng nội dung ý kiến góp ý của Ban Xây dựng pháp luật.

          Về nhận xét chung, Dự thảo LĐT đã được Ban soạn thảo chuẩn bị nội dung với chất lượng rất tốt, khắc phục được nhiều lỗ hổng của Luật đấu thầu hiện hành.

          Để Dự thảo hoàn thiện hơn, Ban Xây dựng pháp luật xin góp ý một số chi tiết sau:

- Đối với khoản 1 và 2, Điều 4: Yêu cầu phải có thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước. Quy định này sẽ hạn chế các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu các gói đấu thầu quốc tế vì quy định hiện hành về bảo lãnh ngân hàng yêu cầu công ty nước ngoài phải đặt cọc 100% tiền mặt (bằng với số tiền bảo lãnh ngân hàng) với ngân hàng cấp bảo lãnh tại Việt Nam. Nếu dự án có số vốn 500 triệu đô la thì số tiền đặt cọc bảo đảm thực hiện hợp đồng bằng 10% sẽ là 50 triệu đô la và phải giữ phong tỏa trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Đây là một số tiền rất lớn và sẽ cản trở các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu, làm giảm chất lượng kết quả đấu thầu. Đề nghị xem xét cho phép các công ty nước ngoài được nộp bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng do các ngân hàng nước ngoài cấp.

- Điều 6 (Bảo đảm cạnh tranh):Cần qui định chi tiết hơn đối với yếu tố độc lập về pháp lý. Trên thực tế một nhà thầu/cổ đông có thể lập ra các công ty khác nhau, có tư cách pháp nhân độc lập và độc lập về tài chính và các công ty này có các cổ đông khác nhau hoặc công ty được thành lập ở nước ngoài dưới hinh thức là công ty ủy thác (trust company) không có cổ đông nào cả. Tuy nhiên, các công ty này có thể bị chi phối/kiểm soát bởi cùng một người hoặc cùng một công ty và các công ty này bị coi là các công ty có liên quan với nhau hoặc là công ty có liên quan tới đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư. Do vậy, cần có quy định rõ hơn để loại trừ các bên có liên quan trong hoạt động đấu thầu.

- Khoản 6, Điều 14: Cần bổ sung nội dung bị cấm khi không bảo đảm cạnh tranh. “Không bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch”.

- Khoản 8, Điều 14 (các hành vi bị cấm):Đoạn (b) cho phép nhà thầu chuyển nhượng gói thầu khi được chủ đầu tư chấp thuận. Tuy nhiên, đoạn (b) lại không linh hoạt, không có cơ chế để cho chủ đầu tư được chấp thuận chuyển nhượng gói thầu. Quy định cứng này sẽ cản trở quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu vì nhà thầu có thể không còn đủ khả năng thực hiện hợp đồng, bị mất khả năng thanh toán nên cần phải thay thế bằng một nhà thầu tốt hơn, hiệu quả hơn.

-Khoản 1, 2 Điều 19 (chỉ định thầu): Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được áp dụng chỉ định thầu theo đoạn (k) nhưng phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 2. Khoản 2 yêu cầu phải có quyết định đầu tư được phê duyệt đối với dự án đầu tư. Quy định này không bao quát hết các trường hợp cung cấp dịch vụ tư vấn. Ví dụ: khi Chính phủ hoặc UBND bị một công ty kiện ra tòa hoặc trọng tài ở nước ngoài và sẽ không kịp thời gian để đầu thầu lựa chọn luật sư để tham dự thủ tục tố tụng ở nước ngoài nên cần phải chỉ định luật sư gấp. Hoặc ví dụ khác là khi Chính phủ dự định phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn quốc tế và cần phải chỉ định bên tư vấn tài chính gấp thì mới chớp được cơ hội trên thị trường vì nếu phải mất mấy tháng đấu thầu thì thị trường có thể biến động bất lợi, không thể phát hành trái phiếu với lãi suất thấp nữa.

 Luật sư Trần Anh Đức, Phụ trách Ban Xây dựng pháp luật

Tin tức khác


   Trang sau >>