TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TẬP HUẤN VỀ VIỆC THI HÀNH TỔ CHỨC PHIÊN TÒA TRỰC TUYẾN

(ĐLS TP.HCM): Sáng ngày 23/02/2022, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TAND TP.HCM) tổ chức Hội nghị tập huấn về việc thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, với sự tham dự của đại diện các cơ quan, tổ chức như: Công an TP.HCM, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, Đoàn Luật sư TP.HCM Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM, các cán bộ công chức trong hệ thống TAND hai cấp TP.HCM…

Báo cáo tại Hội nghị tập huấn, báo cáo viên - Phó Chánh án TAND TP.HCM - Thẩm phán Phùng Văn Hải đã phổ biến những nội dung chính của Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2022) của TAND tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến (viết tắt là TTLT 05/2021). Báo cáo viên giới thiệu những nội dung chính của Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến (Nghị quyết số 33/2021/QH15),Quyết định số 512a/QĐ-TANDTC ngày 19/11/2021 của Chánh án TAND tối cao về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15.

Theo quy định nêu trên, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án Hình sự, Dân sự, Hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây: vụ án Hình sự, Dân sự, Hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt là BLHS hiện hành); vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của BLHS hiện hành. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Phiên tòa trực tuyến bắt buộc phải có một phòng xử án trung tâm gọi là điểm cầu trung tâm, được đặt tại địa điểm do Tòa án nơi thụ lý hồ sơ và quyết định lựa chọn phiên tòa trực tuyến quyết định, thông thường là tại trụ sở nhưng cũng có thể tại địa điểm khác. Phòng xử án tại điểm cầu trung tâm phải đảm bảo các quy định theo Thông tư số 01/2017/TANDTC quy định về phòng xử án.

Tại điểm cầu trung tâm, thành phần tham gia bắt buộc gồm Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án. Đương sự, bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có) tham gia tại điểm cầu trung tâm nếu họ lựa chọn hoặc Tòa án triệu tập.

Trường hợp phiên tòa được tổ chức công khai thì Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cá nhân, cơ quan, tổ chức tham dự phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.

Một phiên tòa trực tuyến chỉ được kết nối tối đa không quá 3 điểm cầu thành phần. Điểm cầu thành phần là không gian tổ chức phiên tòa xét xử vụ án do Tòa án tổ chức hoặc chấp nhận, có sự tham gia của các chủ thể tham gia tố tụng là bị cáo; người bào chữa; bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại; đương sự; người tham gia tố tụng khác; cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ; cảnh sát hỗ trợ tư pháp.

Tại điểm cầu thành phần, tùy theo loại vụ án, có bị cáo là người dưới 18 tuổi hay không, điểm cầu thành phần đặt ở đâu (cơ sở giam giữ, trụ sở Tòa án khác, nơi đương sự hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lựa chọn được Tòa án chấp nhận) mà xác định thành phần tham gia theo quy định của TTLT 05/2021.

Đối với vụ án có người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thì họ tham gia phiên tòa tại một trong các điểm cầu mà Tòa án đã bố trí hoặc chấp nhận.

Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự không thể tham gia phiên tòa tại một trong các điểm cầu mà Tòa án đã bố trí hoặc chấp nhận thì phải có văn bản đề nghị Tòa án cho phép tham gia phiên tòa tại điểm cầu mình tự bố trí. Điểm cầu thành phần của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự phải bảo đảm theo quy định. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quyền trao đổi với bị cáo, bị hại, đương sự khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý.

Trình tự, thủ tục phiên tòa trực tuyến thực hiện như phiên tòa thông thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nhưng có những yêu cầu cần thực hiện tại phiên tòa trực tuyến theo quy định tại TTLT 05/2021.

Phó Chánh án Phùng Văn Hải cũng đã giới thiệu về việc xử lý tình huống xảy ra tại phiên tòa trực tuyến theo quy định của TTLT 05/2021. Bên cạnh đó, Phó Chánh án Phùng Văn Hải lưu ý việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có nhiều vấn đề mới phát sinh nên cần hết sức cẩn trọng trong quá trình lựa chọn vụ án để đưa ra xét xử trực tuyến nhằm vừa đáp ứng quy định, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đạt được hiệu quả. Còn về cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND TP.HCM đang có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ về hệ thống đường truyền, kết nối, hệ thống loa, âm thanh, máy scan, máy trình chiếu… Phó Chánh án Phùng Văn Hải cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự phản hồi, góp ý trong quá trình TAND TP.HCM triển khai thi hành việc tổ chức phiên tòa trực tuyến và cho biết trong tháng 3/2022, TP.HCM bắt đầu tiến hành một số phiên tòa trực tuyến để rút kinh nghiệm.

Có mặt và phát biểu ở điểm cầu trực tuyến tại TAND Quận 4, sau đó là tại Quận 1 trong thời gian diễn ra Hội nghị tập huấn, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho biết:Trên cơ sở đánh giá thực tế, TAND TP.HCM gửi văn bản đến Thành ủy, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đề nghị có chỉ đạo trong việc trang bị cơ sở, trang thiết bị, đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trước mắt, Tòa án sẽ vừa triển khai thi hành các quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến, vừa củng cố hoạt động mới này mà không chờ đợi. Chánh án Lê Thanh Phong cũng lưu ý: Ai lợi dụng việc xét xử trực tuyến để vi phạm pháp luật thì bị xử lý theo quy định pháp luật. Việc xét xử trực tuyến phải được chuẩn bị, thực hiện tốt, kỹ lưỡng và các tình huống phát sinh, cần được tập họp để báo cáo. Theo Chánh án Lê Thanh Phong nên suy nghĩ với những vụ án dân sự có đương sự ở nước ngoài, liệu có mở phiên tòa trực tuyến được không? Nếu được thì sẽ giảm việc ủy thác tư pháp.

Cũng tại Hội nghị tập huấn, Luật sư Nguyễn Bảo Trâm - thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM tham dự Hội nghị gửi lời cảm ơn Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải đã nhiệt tình hỗ trợ cung cấp các tài liệu tập huấn qua phương tiện thông tin điện tử để Đoàn Luật sư TP.HCM giới thiệu, phổ biến đến các thành viên qua trang thông tin điện tử của Đoàn./.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm

Nghi quyet 33_2021_QH15

Quyet dinh 512A_TANDTC

Tai lieu tap huan ve phien toa truc tuyen

Thong tu 01_2017_TT-TANDTC

Thong tu lien tich 05-TTLT

Tin tức khác


   Trang sau >>