THỰC TIỄN ÁP DỤNG ĐẤU TRANH CÁC TỘI PHẠM ĐẾN YÊU CẦU BỔ SUNG CÁC TỘI DANH MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 1999 SỬA ĐỔI

 

Thực tiễn áp dụng đấu tranh các tội phạm đến yêu cầu bổ sung các tội danh mới của Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi

Tiến sĩ- Luật sư  NGUYỄN ĐĂNG LIÊM

Hiệu Trưởng Trường Đại học CNTT Gia Định                                                                                                                     

Có thể nói Luật Hình sự Việt Nam đã qua nhiều lần sửa đổi bổ sung kể từ Bộ Luật Hình Sự được Quốc Hội thông qua ngày 27/6/1985, với các lần sửa đổi bổ sung một số điều vào các thời điểm ngày 28/12/1989, ngày 12/8/1991, ngày 22/12/1992, ngày 10/5/1997 cho đến khi có Bộ Luật Hình sự khá hoàn chỉnh được Quốc hội khoá 10 thông qua ngày 21/12/1999 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2000.

Gần đây, Nghị quyết Quốc hội số 33/2009/ NQ – QH12 ngày 19/6/2009 lại bổ sung , cập nhật hoá một số điều của Bộ Luật Hình sự 1999 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010.

Có thể nói Bộ Luật Hình sự 1999 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật này, đã có nhiều tác động tích cực trong quản lý xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và góp phần bảo vệ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ổn định phát triển. Lẽ dĩ nhiên vẫn còn một số tồn tại, phải tiếp tục bổ sung sửa đổi cập nhật hoá để điều chỉnh kịp thời tình hình kinh tế xã hội ngày một phát triển đa dạng, các yếu tố mới của tình hình phạm pháp hình sự, kể cả các đối tượng tội phạm mới với các tội danh mới cần ghi nhận để cập nhật vào Bộ Luật Hình sự.

I- Sơ lược về đặc điểm tình hình tội phạm và dư luận xã hội đối với phạm pháp hình sự:

1. Đặc điểm tình hình tội phạm:

Từ sau vụ án Năm Cam tình hình phạm pháp có tổ chức quy mô chặt chẽ mang tính chất xã hội đen giảm thiểu rất đáng kể. Nhưng trước tình hình đấu tranh liên tục, quản lý địa bàn tương đối tốt, của lực lượng công an và các lực lượng phú trợ dân phòng các phường, khu phố, tình hình phạm pháp hình sự vẫn còn diễn biến khá phức tạp dưới các dạng như:

- Quy mô phạm pháp hình sự nhỏ nhưng mang tính chất manh động, tự phát và hành vi xâm phạm các nạn nhân của các đối tượng lưu manh, côn đồ mang tính chất lưu manh máu lạnh.

- Các nhóm tội phạm nhen nhóm có tính cấp thời, cơ hội (xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân trong quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng Karaoke, mâu thuẫn bất ngờ trong vài vụ đụng xe nhỏ lẽ trong giao thông đường bộ).

- Nạn cướp giật, thường tập trung vào các nạn nhân nữ và đối tượng tội phạm thường thuộc loại xì ke, ma tuý.

- Các nhen nhóm mang nhỏ tính chất xã hội đen trong các vụ đòi nợ thuê.

- Trong lĩnh vực kinh tế, phổ biến là các vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai.

- Các vụ ẩu đả do xung đột  trong nhân dân dẫn đến phạm pháp hình sự (nóng nảy say rượu dẫn đến manh động đâm, chém lẫn nhau).

- Nạn trộm cắp, đột nhập các nhà dân vắng chủ cũng thường xảy ra

- Tình hình tái phạm đang là mối quan ngại đối với số mãn hạn tù hoặc số được đại xá (VD: thời gian trước Tết nguyên đán  vừa qua đã rộ lên nạn cướp giật mà đối tượng là những người vừa được tha tù, giảm hạn tù, được đại xá). Và cũng lưu ý: đối tượng tội phạm chiếm tỉ lệ tương đối cao trong giới trẻ và đối tượng phạm pháp thường từ nơi khác đến hoặc số tạm trú.

2. Dư luận xã hội đối với tình hình phạm pháp hình sự:

Về mặt tích cực: Đa số nhân dân đánh giá tình hình phạm pháp hình sự tương đối giảm, nhất là phạm tội có tổ chức.

Về mặt tiêu cực: Người dân lo lắng nhất là về các tội phạm cướp giật ( vì rất khó phòng ngừa).

Đánh giá chung, người dân nhận thức khá tốt về tác dụng của Bộ Luật Hình Sự năm 1999 ( được bổ sung sửa đổi ) trong việc góp phần đấu tranh, trừng phạt các tội phạm và giữ vững an ninh trật tự, cho đông đảo người dân an tâm làm ăn sinh sống.

Các chính quyền địa phương, thông qua cơ quan tuyên huấn, tự phát và các hội, chi hội luật gia đã thực hiện tuyên truyền luật pháp khá tốt trong nhân dân địa phương ( kể cả sự đóng góp tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí).

Trong nhiều năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng (như công an, viện kiểm sát, toà án) đã có nhiều nỗ lực trong cả việc nghiên cứu áp dụng Bộ Luật Hình sự, cũng như tiến hành đấu tranh khá kiên quyết đối với tội phạm.

- Các Đoàn Hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh v.v cũng đã góp phần tích cực trong giáo dục phòng ngừa tội phạm (như ma tuý, mại dâm)

Một số hạn chế cần lưu ý:

- Một bộ phận không nhỏ trong nhân dân không có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu về Bộ Luật Hình Sự do việc tuyên truyền luật pháp chưa đều khắp và do một bộ phận người dân chủ yếu lo lao động kiếm sống, nên ít có thời giờ và sự quan tâm đến luật pháp, nhất là đối với Bộ Luật Hình sự.

- Đấu tranh phòng ngừa tội phạm còn hạn chế nhất đối với các tội phạm cướp giật. Lý do khách quan khó khăn cho đấu tranh phòng ngừa, là do đa số tội phạm đổi địa bàn phạm pháp ( từ các nơi đến chứ không phải cư trú tại địa phương) hoặc các đối tượng phạm pháp cơ hội, bất ngờ.

II- Một số khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động bào chữa:

Theo tôi, Bộ Luật Hình sự 1999 (được  bổ sung sửa đổi năm 2009) là khá đầy đủ, hoàn chỉnh. Lẽ dĩ nhiên, qua quá trình phát triển kinh tế xã hội và do diễn biến phức tạp của phạm pháp hình sự, có nhiều biến tướng phạm  tội mới , cần phải từng thời điểm bổ sung các tội danh mới và thay đổi về mặt chủ trương các biện pháp chế tài trừng phạt phù hợp trong tình hình chuyển biến mới.

Thông thường các vướng mắc của luật sư với các cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án là các thủ tục tố tụng, chứ về mặt xác định tội danh thì ít xảy ra, mâu thuẫn vướng mắc gì lớn. Những vướng mắc của luật sư bào chữa có liên quan đến Bộ Luật Hình sự thường tập trung ở một số điểm sau;

1. Về xác định tội danh: giữa “ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Đ139) và tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Đ140), chỉ khác nhau chủ yếu cụm từ “thủ đoạn gian dối” (ở Đ139) nhưng thường xảy ra tranh luận giữa đại diện VKS và luật sư bào chữa, vì việc xác định tính chất “ thủ đoạn gian dối’ và không gian dối là khá mong manh, thậm chí mơ hồ, khó đồng thuận. Lẽ dĩ nhiên ở góc độ luật sư, về mặt chủ quan, phải vận dụng sự khó phân định rõ ràng  của cụm từ “ thủ đoạn” gian dối này để bảo vệ bị cáo là thân chủ của mình.

2. Các yếu tố (kể nhân chứng,vật chứng) để xác định tội danh chưa thuyết phục. Thường luật sư bào chữa vận dụng sự thiếu rõ ràng trong xác định tội danh này để bảo vệ bị cáo thân chủ hầu thay đổi tội danh nhẹ hơn hoặc đề nghị tuyên bố vô tội.

3. Về xác định khung hình phạt và áp dụng tình tiết giảm nhẹ: có tình trạng vướng mắc bất cập trong việc áp dụng khung hình phạt và vận dụng tình tiết giảm nhẹ theo Bộ Luật Hình sự .Cụ thể, điển hình một số vụ án hình sự, bản thân tôi có tham gia bào chữa như sau:

Vụ án “cố ý gây thương tích” (ngày 3/5/2005) : Bị cáo là Nguyễn Văn Đức, cư trú tại P.12, Q, Gò Vấp, chỉ xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ do Đức dựng xe gắn máy làm choáng đường hẻm, P. đi đám cưới về do say rượu nên gây gổ, ẩu đả và chính nạn nhân P gây gổ, đánh trước. Bị cáo B. (anh rễ của Đức) đã hỗ trợ Đức khi thấy Đức bị P. đánh, dẫn đến hậu quả B dùng dao đâm P và Q bị thương tích. Theo cáo trạng kết luận Đức cầm đầu, lôi kéo, xúi giục bị cáo B dẫn đến hậu quả, xô xát gây thương tích cho P. và Q. (người nhà của P).

Cáo trạng của VKS và sau đó được Hội Đồng xét xử  của toà án đồng thuận, kết án bị cáo 2 năm tù theo Đ106 Khoản 2 BLHS.

Việc áp dụng K2 Đ106 đối với bị cáo Đức chỉ đúng về mặt hình thức, còn về nội dung phạm pháp cần phải có sự điều chỉnh qua các tình tiết cụ thể.

Vì đây là  một vụ xung đột gây thương tích tự phát (không có tổ chức) do bị cáo B ( anh rễ của Đức) tham gia hỗ trợ em vợ và có yếu tố lỗi của nạn nhân P, nên không thể nói bị cáo Đức là chủ mưu, xúi giục được . Bị cáo Đức cũng không trực tiếp gây thương tích cho P và Q. Cho nên vận dụng mức án trên là nặng.

Về tình tiết giảm nhẹ: trong vụ án này , bị cáo Đức đã tự nguyện, tự giác bồi thường 11 triệu đồng để khắc phục hậu quả (theo điểm b, K1, Đ 46) và thêm một tình tiết mới là toàn bộ nạn nhân (P & Q) và gia đình của họ đều có đơn gởi toà bại nại và xin tha tội cho bị cáo Đức. Một tình tiết giảm nhẹ mới là bị cáo Đức có gánh nặng gia đình phải gánh vác, có con nhỏ mới 2 tháng, vợ thất nghiệp, mẹ đau nặng, anh rễ (bị cáo B) cùng lãnh án tù trong khi Đức là lao động chính của đại gia đình thất nghiệp đó. Đức có việc làm ổn định, được công ty xác nhận là tốt. Đáng lẽ, tòa án nên vận dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ mới và mạnh dạn áp dụng K2 Đ46  để hạ mức hình phạt , chuyển sang “ tù treo” là phù hợp và nhân đạo. Vì K2 Đ46 BLHS quy định: “ Khi quyết định hình phạt tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”.

Phần đông  các Hội Đồng xét xử vẫn ngần ngại, không dám vận dụng K2 Đ46 này về các tình tiết giảm nhẹ để hạ mức hoặc thay đổi hình phạt.

Vụ án môi giới hối lộ: (Bị cáo nữ N.K, không thuộc địa bàn TP hay Gò Vấp). Nghi ngờ theo dư luận N.K là đầu mối “ môi giới hối lộ”, nên thủ trưởng cơ quan công an sử dụng cơ sở mật, là chỗ bà con của N.K (vốn có chồng đang thụ án về tội “ cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Đ143 BLHS) đến khóc lóc, năn nỉ N.K vốn có quen biết nhiều với công an và VKS  qua làm ăn kinh doanh, tìm cách vận động giảm án cho chồng để sớm được tha trước thời hạn.Và C (là sở mật của Công an) hứa tối hôm sau tới gởi 10 triệu đồng (trong số tiền C đề nghị và thỏa thuận với N.K là 30 triệu đồng). Sau đó C đã báo cáo cho thủ trưởng công an chỉ đạo bắt N.K quả tang ngay lúc giao nhận tiền giữa C và N.K.

Qua điều tra cả N.K và đồng chí đội trưởng điều tra của công an đều  khai chỉ quen biết sơ sơ và việc tha trước thời hạn đối với chồng của C là hoàn toàn đúng quy định, đã đưa ra hội đồng xét duyệt (có cả đại diện VKS tham gia và lãnh đạo công an cùng quyết định), chứ không có gợi ý gởi gắm gì của bị cáo N.K. Qua điều tra cũng không phát hiện và xác định được bị cáo N.K có dính tới bất cứ vụ môi giới nào khác. Tiền 10 triệu do  C giao, công an đã tịch thu tại chỗ, khi bắt khám xét nhà bị cáo.

Như vậy, bị cáo N.K không có tiền án tiền sự và chỉ duy nhất phạm tội lần đầu nhưng do cơ quan công an dựng lên bằng biện pháp nghiệp vụ.

Nhưng VKS và tòa án đã thống nhất truy tố bị cáo N.K về tội “ làm môi giới hối lộ”, theo Đ 290 Khoản 2, điểm đ, và tòa tuyên án 3 năm tù (mặc dù luật sư bào chữa đề nghị áp dụng mức án thấp hơn và chuyển sang án treo để chủ yếu giáo dục vì chưa có gì nguy hiểm cho xã hội.

Đáng lý ra  trường hợp của  bị cáo N.K là mới có ý định phạm tội hoặc chuẩn bị phạm tội ( theo Đ 17 BLHS) do bị xúi giục của C, chứ chưa thực sự phạm pháp. Chính vì vậy, Tòa án cần vận dụng cả Đ17 BLHS với Đ290  để có bản án nhẹ hơn và không nhất thiết áp dụng biện pháp “ tù ở” mà có thể chuyển sang “ tù treo” vì nhân thân bị cáo tốt, không tiền án tiền sự và đang là giám đốc một DN khách sạn, công việc làm ăn ổn định, có 2 con nhỏ.

Bản án vô tình đã đưa đến hậu quả bị cáo N.K bị bệnh tâm thần, phải đưa vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, gia đình chồng con ly tán.

Mặc dù Viện Khoa học hình sự đã có những phân tích khá cụ thể về các tội danh, nhưng qua quá trình thực hiện BLHS, các bên tham gia tố tụng, đặc biệt giữa luật sư bào chữa với cơ quan VKS, Công an vẫn có những cự ly nhất định trong việc xác định tội danh, việc áp dụng khung hình phạt, việc vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, các tình tiết tăng nặng (Đ48 BLHS), việc quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS (Đ 47) v.v…

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình tội phạm và các vướng mắc, khó khăn xuất phát từ:

a)    Nền kinh tế xã hội phát triển theo cơ chế thị trường tuy đa dạng, phong phú, song cũng phát sinh nhiều phức tạp tệ nạn, tính thực dụng cao, động cơ chạy theo lợi ích cá nhân quyết liệt, xâm lấn lợi ích công, khiến cho đạo đức xã hội từng nơi, từng lúc xuống cấp. Đây là tiền đề dẫn đến các tội xâm phạm tài sản, tham nhũng hối lộ, các tội mang tính bạo lực xã hội đen.

b)    Tình hình biến tướng tội phạm cũng phức tạp đa dạng, kể cả lợi dụng sự phát triển công nghệ thông tin, để phạm pháp qua mạng. Từ đó có thêm tội phạm mới mà BLHS chưa kịp thời định tội danh và hình phạt, trong khi các cơ quan tố tụng chưa dám vận dụng vào các tội danh hiện có.

c)    Về mặt tích cực, tuy cơ quan công an, VKS, tòa án và kể cả các đoàn thể, từng nơi từng lúc đã không ngừng nổ lực phòng chống tội phạm có hiệu quả, nhưng phải nói việc phát huy sức mạnh tổng hợp giữa chính quyền và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm vẫn còn hạn chế nhất định. Một bộ phận người dân vẫn sợ các đối tượng hình sự trả thù, nên không dám tố giác để phòng chống, ngăn ngừa tội phạm.

d)    Giáo dục con em tại gia đình và tại trường học cũng có những mặt chưa tốt, nhất là về đạo đức, nên hiện tượng tự phát manh động cá nhân còn khá phổ biến. Nạn xì ke, ma túy cũng xuất phát một phần từ nguyên nhân này.

e)    Vấn đề áp dụng hình phạt và thi hành án cũng có những mặt cần xem lại để kết hợp tốt giũa trừng phạt và giáo dục, giúp ổn định các gia đình tội phạm, ổn định xã hội, không vô tình tạo tâm lý phản ứng, căm thù đối với gia đình, xã hội khi các đối tượng luôn luôn có định kiến trong đầu là bị xã hội bỏ rơi, bạc đãi, bị loại ra ngoài xã hội. Đây cũng là nguyên nhân của hiện tượng tái phạm của các người tù được hoàn lương, được đại xá.

f)     Vấn đề xây dựng phong trào an ninh tổ quốc và quản lý địa bàn từng phường, từng khu phố chưa được tốt; có những lực lượng chưa phát huy được tác dụng trong phòng chống tội phạm.

g)    Tình hình kinh tế khó khăn giảm phát gần đây và nạn thất nghiệp tăng cũng là nguyên nhân của phạm pháp cơ hội.

h)   Vướng mắc trong tố tụng một phàn do cách hiểu các điều luật chưa đầy đủ, có phiến diện chủ quan, khác nhau giữa các cơ quan tố tụng với nhau và cả với luật sư bào chữa. Quá trình tiến hành thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự; khởi tố, truy tố có những thiếu sót về thu thập bằng chứng, vật chứng, nhân chứng , giám định pháp y v.v….

III- Một số ý kiến về các chủ trương mới

1. Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân: Theo tôi, không nên quy định pháp nhân là chủ thể của pháp luật hình sự, mà Luật Hình sự chỉ nên chế tài đối với thể nhân. Vì trong thực tiễn, một pháp nhân có dính đến trách nhiệm hình sự đều do cá nhân hoặc thủ trưởng (người đại diện pháp lý) của pháp nhân đó vi phạm pháp luật hình sự mà thôi. Không thể quy định trách nhiệm hình sự cho cả tập thể nhiều người của pháp nhân đó được, mà phải xử lý hình sự đối với cá nhân trực tiếp phạm pháp, các đồng phạm và trách nhiệm liên đới quản lý pháp nhân của thủ trưởng đơn vị đó, sẽ phù hợp hơn là xử lý tập thể cả pháp nhân, làm mất danh dự, uy tín chung của tập thể nhiều cá nhân khác trong pháp nhân.Thường chỉ có nhen nhóm tội phạm (như nhóm xã hội đen, tổ chức đòi nợ thuê, là có thể chế tài hình sự tập thể (chứ không phải pháp nhân hợp pháp).

1.    Vấn đề tổ chức phạm tội, tội phạm có tổ chức: Theo tôi cần phân định rõ ràng giữa tổ chức phạm tội và tội phạm có tổ chức, để có những chế tài phù hợp.

Từ trước đến nay, BLHS vẫn có khái niệm chung một tội có tính chất tập thể là phạm tội có tổ chức, bao gồm nhiều người có phân công cụ thể, từ chủ mưu đến các đồng phạm ( như vụ Năm Cam) còn khái niệm về tổ chức phạm tội là khái niệm mới chưa được ghi vào BLHS. Thông thường tổ chức phạm tội đa phần là những nhen nhóm tổ chức bất hợp pháp , gần đây có xuất hiện vài tổ chức ( có tính pháp nhân) kinh doanh mạng chuyên lừa gạt qua mạng để chiếm dụng tiền bạc, tài sản công dân. Nhưng chủ yếu vẫn do cá nhân thủ trưởng hoặc giám đốc của pháp nhân chủ mưu mà thôi.

2. Về chủ thể của nhóm tội phạm tham nhũng: Theo tôi không nên mở rộng chủ thể của tội tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Lý do là ngay cả Tự điển cũng định nghĩa: “ tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân và lấy của” và tài liệu Liên Hiệp quốc về đấu tranh quốc tế chống tham nhũng ( năm 1969) cũng định nghĩa tham nhũng là “sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trúc lợi riêng”. Như vậy, rõ ràng đối tượng phạm pháp tham nhũng phải là công chức, viên chức nhà nước, không thể mở rộng ra ngoài nhà nước được.

Kinh nghiệm vụ án về đất đai trước đây tại Quận Gò Vấp, khi tòa án kết tội bị cáo Lan tội đồng phạm chủ mưu tham nhũng đã bị dư luận phản đối, không đồng tình. Thực tế ở VN, đã từng xảy ra các trường hợp các đối tượng ngoài xã hội, ngoài nhà nước tham gia kết cấu, móc ngoặc với cán bộ, công chức để chiếm đoạt tài sản nhà nước qua hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức nhà nước như một đồng phạm, nhưng không thể xử chung một tội phạm tham nhũng, mà nên tách ra xử “về tội hối lộ” có lẽ phù hợp, đúng đắn hơn.

3. Các vi phạm pháp luật chuyên ngành nên quy định thành các tội danh cụ thể bổ sung  chung vào BLHS thay vì quy định chế tài, hình phạt ngay trong văn bản pháp luật chuyên ngành, dễ gây hiểu lầm về hình sự hóa các hoạt động kinh tế, chuyên ngành. Các pháp luật chuyên ngành chỉ nên điều chỉnh các hoạt động chuyên môn và các xử phạt hành chính, bồi thường dân sự mà thôi.

4. Cần hình sự hóa  để chế tài các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, đạo đức truyền thống và xâm phạm đời tư cá nhân như: Hành vi đưa các hình ảnh khỏa thân lên mạng, hành vi xâm nhập tài khoản cá nhân để chiếm đoạt tiền, các hành vi sử dụng công nghệ thông tin để lừa gạt người khác để chiếm đoạt tiền bạc, tài sản v.v…

5. Giảm bớt hoặc phi hình sự hóa các tội danh trong lĩnh vực kinh tế như: Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế ( Đ 167); Tội quảng cáo gian dối v.v…

IV- Một số kiến nghị bổ sung vào BLHS trong tình hình mới

1. Ở chương  III về tội phạm: Ngoài Đ20 về đồng phạm ,nên thêm một điều mới về” tòng phạm” để chỉ các đối tượng đóng vai trò phụ, bị động, vô tình trong vụ án thì phù hợp hơn là đồng hóa chung vào tội danh “ đồng phạm”.

2. Ở chương X về “những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội: Ở Đ70 về các biện pháp tư pháp K1 nên thêm đầu tiên là “giao cho gia đình hoặc người giám hộ bảo lãnh giáo dục tại gia đình”. Riêng ở điểm a về “giáo dục tại xã, phường, thị trấn” nên ghi thêm giao cho các đoàn thể  theo giới tính theo độ tuổi để quản lý giáo dục sẽ hiệu quả hơn (như Hội phụ nữ, Đoàn TN) thay vì nói chung chung không ai quản lý, chủ yếu thực tế vừa qua chỉ có sự kiểm tra của CSKV, công an phường.

3. Ở chương XII về “ các tội xâm phạm tính mạng, nhân phẩm, danh dự con người: Cần thêm tội danh “ khuấy rối tình dục” trong thực tế xảy ra ở các cơ quan, công ty mà nạn nhân do nễ sợ không dám khiếu nại. Đây cũng là tiền đề dễ dẫn đến cưỡng dâm, Hiếp dâm nếu không cảnh báo ngay từ đầu.

Thêm tội danh: “xâm phạm thuần phong mỹ tục, kích dục” khi đối tượng tự phổ biến hình sex của mình hoặc cố tình đưa hình sex của người khác lên mạng, làm ảnh hưởng đến giới trẻ, tạo ảnh hưởng kích dục đối với các con em, SVHS mới lớn.

4. Ở chương XIV về các tội xâm phạm sở hữu: Cần thêm tội danh “lợi dụng kỹ thuật CNTT, internet xâm phạm tài khoản để chiếm dụng tiền gửi”, thực tế tội này hiện nay khá phát triển, thậm chí tội phạm có cả người nước ngoài.

5. Ở chương XVI về “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” cần thêm tội danh “gây lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước, tài sản công”, vì trong thực tế tệ nạn lãng phí gây hậu quả thiệt hại kinh tế tài chính, vật chất còn hơn tội tham ô, tham nhũng.

6. Ở chương XXII về “ Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp”: Cần thêm tội danh “ không chấp hành bản án dân sự , kinh tế” để xử lý các đối tượng phải thi hành các bản án dân sự, kinh tế nhưng cố tình không thi hành hoặc tránh né kéo dài việc trả nợ, bồi thường thiệt hại hoặc bỏ trốn gây hậu quả thiệt hại cho người được thi hành án.

Tin tức khác


   Trang sau >>