PHÁP LUẬT TƯƠNG TỰ TRONG QUAN HỆ DÂN SỰ

 

Pháp luật tương tự trong quan hệ dân sự

Luật sư  Trần Công Ly Tao

(Phó Chủ nhiệm ĐLS.Tp.HCM)

Cho tới nay, pháp luật thực định về dân sự của Nhà nước ta chưa có quy định vận hành pháp luật tương tự. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp dân sự gặp không ít khó khăn do khiếm khuyết quy định về áp dụng pháp luật tương tự. Trước thực trạng vừa nêu, gần đây, nhiều chuyên gia pháp luật bày tỏ quan điểm: cần quy định pháp luật tương tự như là nguồn pháp luật bổ sung để giải quyết các tranh chấp về dân sự. Nói khác, phải hình thành định chế án lệ (các bản án, quyết định hình thành từ các thẩm phán thâm niên trong nghề giàu kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ án khó của tòa cấp trên như tòa phúc thẩm thuộc tỉnh, tòa phúc thẩm TANDTC, ủy ban thẩm phán TANDTC, Hội đồng thẩm phán TANDTC...) để các tòa án ở cấp sơ thẩm dùng làm căn cứ để giải quyết tranh chấp dân sự. Được biết, nền tư pháp các nước phát triển, đều ghi nhận nguyên tắc “bất khẳng thụ lý” tức là, Tòa án không được từ chối thụ lý giải quyết tranh chấp của các đương sự.

Án lệ được xem là nguồn pháp luật bổ sung góp phần giải quyết án bị tồn đọng do chưa có điều khoản luật tương ứng trong Bộ luật Dân sự (BLDS).

BLDS hiện hành của chúng ta, võn vẹn chỉ có một điều đề cập tới pháp luật tương tự, đó là Điều 3: Áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật, theo đó, trong trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này.

Do chưa được nhìn nhận pháp luật tương tự nên khi xảy ra các tranh chấp về dân sự ở vùng sâu, vùng xa, nơi có những tộc người thiểu số sinh sống, Tòa án gặp khó khăn, thậm chí bị bế tắc vì chưa có “mô hình” pháp luật tương tự để vận dụng giải quyết. Trong khi đó, thời phong kiến đã được phép vận dụng nguyên tắc giải quyết tranh chấp dân sự trong cộng động làng xã theo chế định “phép vua thua lệ làng”.

Việc giải quyết các xung đột quyền lợi xảy ra được căn cứ vào các quy định, các điều khoản của BLDS là chủ yếu, nhưng không thể không căn cứ vào luật tương tự, luật tập quán.

Thế nào là áp dụng tập quán và áp dụng pháp luật tương tự?

Đứng trước thực trạng đời sống kinh tế xã hội ngày càng phức tạp, đa dạng Luật dân sự phải điều chỉnh các quan hệ như: chủ thể, khách thể, nội dung; hơn nữa, những quan hệ này không ngừng phát triển cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật. Khi ban hành các văn bản pháp luật, nhà lập pháp không thể dự liệu hết các tình huống xảy ra trong các quan hệ xã hội phải điều chỉnh bằng pháp luật. Từ đó, tạo lỗ hổng trong pháp luật dân sự. Hơn nữa, các quy định của pháp luật tồn tại ở dạng tĩnh tương đối (chỉ thay đổi khi bị sửa đổi), các quan hệ xã hội lại không ngừng biến đổi. Vì vậy, sẽ tồn tại các trường hợp không có quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội đang tồn tại (như các quy định về thu mua, về hụi, họ...). Để khắc phục những hiện tượng tương tự, tạo điều kiện để các quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật, kịp thời giải quyết các xung đột pháp lý, nên thừa nhận Luật tập quán sử dụng vào các xử sự được cộng đồng địa phương, dân tộc chấp nhận như một thói quen là chuẩn mực ứng xử đối với các thành viên trong cộng đồng dân tộc, địa phương (như sử dụng các đơn vị đo lường: giạ lúa; chục trơn, chục ăn tiền ở miền Nam; chia thịt thú rừng ở các vùng dân tộc thiểu số...).

Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật là dùng những quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đối với những quan hệ tương tự như quan hệ cần xử lí để điều chỉnh quan hệ cần xử lý đó, nhưng không có quy phạm trực tiếp điều chỉnh (như dùng quan hệ vay để xử lý quan hệ hụi họ, dùng các quan hệ về dịch vụ để điều chỉnh quan hệ đổi công...).

- Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật có thể được thể hiện dưới các dạng thức:

+ Có quan hệ thuộc lĩnh vực luật dân sự điều chỉnh nhưng không có quy phạm tương ứng;

+ Có quan hệ có quy phạm trực tiếp điều chỉnh, quan hệ tương tự thuộc lĩnh vực do luật dân sự điều chỉnh. Trong trường hợp này có thể dùng quy phạm tương tự để điều chỉnh quan hệ giao dịch ban đầu.

Nếu không có các quy phạm tương tự, không xác định được các quy phạm cần áp dụng mà phải dùng những nguyên tắc chung của pháp luật để giải quyết thì áp dụng tương tự pháp luật.

Trong một số trường hợp đối tượng đang xem xét thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều ngành luật và mỗi ngành luật điều chỉnh giác độ khác nhau; ví dụ: tranh chấp về chuyển quyền sử dụng đất. Để giải quyết tranh chấp này cần phải xem xét những ngành luật nào điều chỉnh quan hệ trên. Luật dân sự điều chỉnh sự chuyển dịch các quyền của người sử dụng đất, luật đất đai điều chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Trường hợp này sẽ áp dụng quy phạm của nhiều ngành luật liên quan để điều chỉnh.

Việc áp dụng pháp luật tương tự, áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp dân sự không được trái với các nguyên tắc chung được quy định trong BLDS. Việc áp dụng pháp luật tương tự phải tuân thủ các điều kiện sau:

- Quan hệ đang tranh chấp thuộc lĩnh vực luật dân sự điều chỉnh;

- Trong pháp luật dân sự chưa có quy phạm trực tiếp điều chỉnh;

- Với các quy phạm và chế định hiện có không thể giải quyết được tranh chấp đó;

- Có tập quán được cộng đồng thừa nhận như chuẩn mực ứng xử trong các trường hợp đó;

- Hiện có các quy phạm (chế định) khác trong luật dân sự điều chỉnh các quan hệ tương tự (gần giống các quan hệ cần điều chỉnh).

Áp dụng tập quán, áp dụng pháp luật tương tự nhằm khắc phục những lỗ hổng trong pháp luật dân sự, đó là trên thực tế có các quan hệ pháp luật dân sự phát sinh nhưng không có các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Nhu cầu đời sống xã hội đòi hỏi phải giải quyết tranh chấp đó, cho nên phải áp dụng tương tự pháp luật linh hoạt, phù hợp với lề thói của cư dân từng vùng, miền của đất nước. Việc áp dụng pháp luật tương tự nhằm giúp các nhà lập pháp vận dụng, góp phần hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật thực định.

Tin tức khác


   Trang sau >>