ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: TỔ CHỨC HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO 4 QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ VIỆT NAM

(ĐLS TP.HCM): Ngoài việc đăng tải trên trang thông tin điện tử của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh nguyên văn dự thảo 4 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (viết tắt là Dự thảo Quy tắc hay Dự thảo 4) và đề nghị các luật sư thành viên góp ý trong tháng 7/2019, vào ngày 03/8/2019, Đoàn đã tổ chức hội thảo góp ý đối với dự thảo này. Tham dự hội thảo có Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật (HĐKTKL) và trên 30 luật sư thành viên. Luật sư Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung- Chủ nhiệm và Luật sư Nguyễn Hải Nam- Phó Chủ nhiệm, chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Luật sư Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc góp ý Dự thảo Quy tắc nhằm góp phần giúp Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư phù hợp yêu cầu thực tiển hoạt động hành nghề luật sư, là cơ sở để hoàn thiện công tác giám sát, xem xét khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật. Vì vậy, Đoàn Luật sư TP.HCM mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của luật sư thành viên đối với dự thảo này.

 Ngắn gọn hay chi tiết?

Theo Luật sư Trương Thị Hòa, cần xác định đây là Bộ quy tắc, chứ không phải là Quy tắc vì đó là sự tập hợp các quy tắc. Bộ quy tắc cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, chứ như Dự thảo 4 còn dài, khó mà nhớ được. Tên gọi chỉ cần ngắn gọn là: “Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư” vì trong “đạo đức nghề nghiệp luật sư” đã bao gồm “ứng xử nghề nghiệp của luật sư”. Còn “Lời nói đầu”, theo Luật sư Hòa, cũng chỉ nên viết ngắn gọn theo hướng khẳng định nghề luật sư là một trong những nghề cao quý. Bộ Quy tắc này là những chuẩn mực cho luật sư trong khi hành nghề luật sư và trong lối sống. Luật sư Nguyễn Bá Tòng đồng tình với ý kiến nêu rằng tính cao quý của nghề luật sư không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Minh định tính cao quý của nghề luật sư không chỉ là sự tự hào nghề nghiệp mà đó còn là sự nhắc nhở, tiêu chí để mỗi luật sư, tổ chức luật sư luôn phấn đấu sao cho xứng đáng với sự cao quý đó.

Cũng có ý kiến cho rằng giới luật sư có nên “tự phong” nghề luật sư là nghề cao quý ở Việt Nam (như trong Quy tắc hiện hành) hoặc là một trong những nghề cao quý (như đóng góp cho Dự thảo 4) ngay ở “Lời nói đầu” hay là hãy để xã hội đánh giá, công nhận.

 Theo Luật sư Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung, Bộ Quy tắc không nên lặp lại những nguyên tắc đã có quy định trong Luật Luật sư, Điều lệ Liên Đoàn luật sư Việt Nam mà cần thiết phải quy định cụ thể, chi tiết, để bảo đảm tính minh bạch, tránh dẫn đến việc hiểu, thực hiện bất nhất và gây khó khăn trong công tác giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật. Nhiều luật sư đồng tình với ý kiến này.

Theo Luật sư Trịnh Minh Tân - Ủy viên Ban Chủ nhiệm, lời nói đầu nên ngắn gọn, không tự phong là nghề cao quý, Bộ Quy tắc cần có phần giải thích về từ ngữ, ví dụ: đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là gì, thế nào là bảo vệ tốt nhất lợi ích cho khách hàng? Bên cạnh đó, trong Bộ quy tắc, không nên sử dụng những từ cổ, xưa như “kiện tụng” mà cần thay thế những từ phù hợp với pháp luật hiện hành như “khiếu kiện”…

Nên thay “bảo vệ sự độc lập tư pháp” bằng “bảo vệ sự độc lập của luật sư trong khi hành nghề” khi quy định về sứ mệnh của luật sư

Bên cạnh những sứ mệnh của luật sư đã được quy định trong Quy tắc hiện hành (góp phần bảo vệ công lý và xây dựng nhà nước pháp quyền…), Quy tắc 1 của Dự thảo 4 bổ sung thêm một số sứ mệnh của luật sư. Theo Luật sư Nguyễn Bảo Trâm - Chủ tịch HĐKTKL thì việc bổ sung sứ mệnh của luật sư là bảo vệ sự độc lập của tư pháp sẽ không phù hợp với khoản 3 Điều 2 của Hiến pháp năm 2013: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Luật sư Trâm đề nghị bỏ sứ mệnh này, thay vào đó là sứ mệnh bảo vệ sự độc lập của luật sư trong hành nghề. Điều này phù hợp với một trong những nguyên tắc hành nghề của luật sư là độc lập quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật luật sư. Luật sư Nguyễn Văn Đức nêu thêm việc bổ sung sứ mệnh của luật sư là bảo vệ sự độc lập của tư pháp còn là quá sức của luật sư, vì làm sao bảo vệ khi các cơ quan tiến hành tố tụng hoạt động theo cơ chế của họ.

Đừng “trói chặt” luật sư

Về việc giải quyết xung đột lợi ích giữa luật sư, người thân thích, thành viên trong gia đình của luật sư, nhân viên của luật sư với khách hàng quy định tại Quy tắc 16 của Dự thảo 4, Luật sư Hòa cho rằng nên có thời hiệu cho một số trường hợp chứ không nên là vĩnh viễn. Bởi lẽ, nếu một thời gian rất dài sau khi luật sư đã thực hiện xong dịch vụ pháp lý cho một khách hàng, đối phương của khách hàng đó hay người thân thích của luật sư nhờ luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý trong vụ việc khác có liên quan đến vụ việc mà rất nhiều năm về trước, luật sư đã tiếp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng cũ thì luật sư khó mà nhớ được, khó mà phát hiện được đã có sự xung đột lợi ích hay có khả năng xảy ra xung đột lợi ích giữa khách hàng mới và khách hàng cũ để mà từ chối khách hàng mới.

Luật sư Phan Thị Hồng Điểm - Ủy viên Ban Chủ nhiệm nhất trí  với ý kiến trên của Luật sư Hòa. Phó Chủ tịch HĐKTKL - Luật sư Quách Tú Mẫn nhấn mạnh việc xử lý kỷ luật còn có thời hiệu chịu trách nhiệm kỷ luật, thì trong Bộ Quy tắc cũng cần có thời hiệu đối với những vấn đề như nêu tại quy tắc 16 của Dự thảo 4.

Chia sẻ thêm, Luật sư Nguyễn Bá Tòng cho biết mình đã từng gặp tình huống tương tự, may mà sau đó đã kịp thời phát hiện vụ việc của khách hàng mới có sự xung đột với khách hàng cũ 10 năm về trước, nên đã lập tức mời khách hàng mới đến thanh lý hợp đồng ngay. Theo Luật sư Tòng, luật sư không được phục vụ cho các khách hàng có xung đột lợi ích với nhau (có quyền lợi đối lập với nhau) trong cùng một vụ việc là điều cấm cơ bản của nghề luật sư ở trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Vấn đề là quy định làm sao để luật sư thấy rằng quy tắc giải quyết xung đột lợi ích giữa luật sư, người thân thích, thành viên trong gia đình của luật sư, nhân viên của luật sư với khách hàng cũng là nhằm bảo vệ mình, bảo vệ uy tín của nghề luật sư, chứ không chỉ là sự ràng buộc mình.

Góp ý tiếp quy tắc 16 (giải quyết xung đột lợi ích) trong Dự thảo 4, Luật sư Trâm đề nghị cần xác định rõ về cụm từ “thành viên trong gia đình”, “người thân thích” của luật sư là những ai, có phải hiểu theo khoản 16 và khoản 19 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 hay không? Nếu hiểu theo điều khoản này thì việc giải quyết xung đột lợi ích giữa người thân thích, thành viên trong gia đình của luật sư với khách hàng bị mở rộng rất nhiều. Điều đó liệu có thật sự phù hợp với phạm vi điểm a khoản 1 Điều 9 Luật luật sư (Nghiêm cấm luật sư thực cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật) hay không?

Về thù lao luật sư, theo Luật sư Trâm, vấn đề này đã được quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 57Luật luật sư. Vì vậy, Luật sư Trâm đề nghị bỏ quy tắc 8 về thù lao luật sư trong Dự thảo 4 vì đa phần nội dung quy tắc này là sự lặp lại của các điều luật nêu trên nhưng lập lại không đầy đủ. Hơn nữa, việc nêu thêm nội dung là tính thù lao luật sư còn “căn cứ những tình tiết khác có liên quan” như trong quy tắc 8 của Dự thảo 4 là quá chung chung, dễ dẫn đến việc hiểu, thực hiện,  xem xét, đánh giá, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật có liên quan đến nội dung này không thống nhất.

Ngoài ra, theo Luật sư Trâm, cũng không cần quy định thêm trong Bộ quy tắc là việc tính thù lao dù là dựa vào sự thỏa thuận giữa tổ chức hành nghề luật sư với khách hàng nhưng phải hợp lý. Bởi lẽ quy định như thế dễ dẫn đến tranh luận khó có điểm dừng về tính hợp lý của thù lao luật sư trong các vụ việc phi hình sự và vô hình trung, tạo điều kiện cho việc lợi dụng quy định này để tùy tiện khiếu nại, tố cáo luật sư nhằm gây áp lực cho luật sư phải tính lại thù lao theo hướng chỉ có lợi cho khách hàng. 

Luật sư Hà Hải - Ủy viên Ban Chủ nhiệm và Luật sư Nguyễn Văn Thanh cũng có ý kiến là cần bỏ vấn đề thù lao ra khỏi Bộ quy tắc. Nhiều luật sư khác tham dự hội thảo đồng tình với những ý kiến nêu trên.

Về quy tắc 31 (ứng xử trong quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng) và quy tắc 32 (ứng xử với trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân khác) của Dự thảo 4

Theo Luật sư Đức cần bỏ quy tắc 31 của Dự thảo 4 vì đã có luật báo chí điều chỉnh. Còn quy tắc 32 của Dự thảo 4 thì cũng cần bỏ vì với cách quy định chung chung là khi tiếp xúc, làm việc với các tổ chức, cá nhân khác, luật sư không được có lời nói, việc làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đó sẽ dẫn đến việc lợi dụng quy tắc này để cản trở quyền hành nghề hợp pháp của luật sư hay để khiếu nại, tố cáo, yêu cầu xử lý kỷ luật luật sư tràn lan.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, Luật sư Trâm nêu thêm thực tế mấy năm qua, có không ít cá nhân, tổ chức gửi Đơn khiếu nại, tố cáo, yêu cầu xử lý kỷ luật đối với luật sư của đối phương mình, vì cho rằng luật sư đã có lời nói, hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và lợi ích hợp pháp của họ tại phiện tòa. Tuy việc khiếu nại không có căn cứ nhưng cũng mất không ít thời gian, công sức cho việc giải quyết. Thế nên, việc bỏ Quy tắc 32 Dự thảo 4 là cần thiết để góp phần trong việc phòng chống việc cản trở quyền hành nghề hợp pháp của luật sư.

Ngoài các nội dung góp ý như trên, các luật sư tham gia hội thảo còn góp ý một số vấn đề khác như: Luật sư Hải, Luật sư Thanh đề nghị khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, luật sư cần trả lời trong một thời gian hợp lý, không nên quy định luật sư cần nhanh chóng trả lời khách hàng như nêu tại quy tắc 10.1 của Dự thảo 4, vì sẽ không biết thế nào là nhanh chóng. Luật sư Mẫn đề nghị cần làm rõ nội dung ở quy tắc 5 của Dự thảo 4 là có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa được hiểu như thế nào?...

Kết thúc hội thảo, Luật sư Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung cảm ơn những ý kiến đóng góp hết sức nhiệt tình và bổ ích của các luật sư thành viên. Sau buổi hội thảo này cho đến trước khi Hội đồng Hội đồng luật sư toàn quốc họp thông qua, rất mong quý luật sư đồng nghiệp tiếp tục góp ý bằng văn bản gửi về Đoàn Luật sư TP.HCM. Trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp gửi về Liên đoàn luật sư Việt Nam để hoàn thiện dự thảo trình Hội đồng luật sư toàn quốc. Luật sư Chủ nhiệm nhấn mạnh rằng  Quy tắc đạo đức rất quan trọng, rất cần thiết, không chỉ để giám sát, xem xét khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật mà còn là để bảo vệ quyền lợi của luật sư. Vì vậy, Quy tắc đạo đức cần phải rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu, không thể giải thích theo ý kiến cá nhân. Quá trình soạn thảo Dự thảo Quy tắc đạo đức có tham khảo Bộ quy tắc của Liên đoàn luật sư Nhật Bản, nhưng cần phải tiếp thu có chọn lọc cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế Việt Nam.

LS NGUYỄN BẢO TRÂM

Tin tức khác


   Trang sau >>