NHỮNG BẤT CẬP TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ

 

Những bất cập trong hoạt động xét xử

Luật sư Trần Công Ly Tao

Phó Chủ nhiệm ĐLS TP.HCM

Mới đây, tại Bình Dương, 09 toà gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác xét xử năm 2012. Một vấn đề nổi lên tại hội nghị là việc huỷ án của toà cấp trên.

Nội dung “khó trị” vừa nêu đã “bám rễ” trong hoạt động xét xử. Phải chăng ngành Toà án chưa tìm ra “dược phẩm đặc trị”  căn bệnh “trầm kha”. Trong khi đó, bản án, quyết định của toà án trực tiếp chi phối thân phận, có khi cả số phận và tài sản của những ai “vô phúc đáo tụng đình”!.

Tại hội nghị, có thẩm phán kiến nghị lãnh đạo TAND TC xem xét bỏ việc tỷ lệ án bị huỷ, sửa để làm căn cứ tái bổ nhiệm thẩm phán, với lập luận: tỷ lệ án bị huỷ, sửa đang là một gánh nặng, một áp lực thực sự cho thẩm phán ; nhiều vụ án khó, phức tạp các thẩm phán ngần ngại đưa ra xét xử...

Theo chúng tôi, duy trì quy định: tỷ lệ án bị huỷ, sửa làm căn cứ xem xét tái bổ nhiệm thẩm phán là cần thiết có thể xem như “vũ khí răn đe” thẩm phán để họ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giải quyết án. Nếu không có “nút chận” như thế thì thẩm phán giải quyết vụ án nẩy sinh tâm lý chủ quan, thiếu thận trọng, cẩu thả trong khi chưa tìm ra “phép lạ” đánh giá một cách chuẩn mực cả tâm lẫn tầm của phán quan!.

Có thẩm phán lại cho rằng: “các bản án bị huỷ theo thủ tục giám đốc thẩm là đúng, nhưng vẫn có vài trường hợp toà cấp dưới nhận thấy chưa thuyết phục, cụ thể nhiều bản án “chỉ có sai sót nhỏ, lặt vặt” như sai họ tên, ngày, tháng, năm sinh. Không thể biện bạch như thế được; Ngạn ngữ có câu “sai con toán, bán con trâu”, “sai một ly, đi một dặm” và “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, cần phải cẩn trọng, tránh để xảy ra sai sót dù sai sót nhỏ? Bởi vì có nghiêm khắc với chính mình mới nghiêm minh trong giải quyết án. Xề xoà, dễ giải với nhau sẽ khó tránh sai sót tiếp diễn. Ngay cả sai sót họ tên, địa chỉ đôi khi dẫn đến hậu quả khó lường: bản án ghi nhận không chính xác căn cước bị cáo của vụ án. Đã từng xảy ra sự nhầm lẫn họ tên, ngày sinh tháng đẻ khiến người vô can phải “cười ra nước mắt”, vì chẳng may sai sót tên họ, ngày sinh của người này vô tình rơi đúng vào người khác, dẫn đến bắt nhầm người thi hành án theo kiểu “bụng làm, dạ chịu” một cách oan ức, gây đau thương cho họ mà báo chí đã từng phản ánh!

Không thể lý giải theo cách: huỷ án trong các trường hợp này (có sai sót nhỏ, lặt vặt) vừa không đáng, vừa tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc để giải quyết lại từ đầu… để “cầu cứu” toà án cấp trên lưu ý xem xét khắc phục các sai sót! Quan điểm của chúng tôi: không thể viện cớ “sai sót nhỏ, lặt vặt” để mong toà án cấp trên cảm thông “bỏ qua”. Vả lại, thế nào là “bằng cách nào đó”. Phải chăng toà cấp dưới muốn toà cấp trên bỏ qua những sai sót của mình thì còn đâu thể hiện tính nghiêm minh, khách quan, chính xác của pháp luật? Tại hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương bày tỏ:  cấp giám đốc thẩm nên sớm xem xét, không nên để gần hết thời hạn kháng nghị rồi mới kháng nghị, huỷ án gây ra rất nhiều khó khăn, lúng túng cho toà án sơ thẩm khi phải giải quyết lại vụ án vừa có thể làm xảy ra nhiều hệ luỵ pháp lý rắc rối và đề nghị toà cấp trên khi gặp những trường hợp như vậy thì cần phải cân nhắc thật kỹ. Nếu lỗi vi phạm trong các vụ án không quá lớn thì không cần thiết huỷ án. Tại hội nghị, Lãnh đạo Toà dân sự TAND tối cao trấn an: “các đại biểu an tâm là khi gặp những trường hợp này đều cân nhắc rất kỹ vì huỷ thì rất khó khăn cho toà cấp dưới khi giải quyết lại. Thế nhưng trong bản án có sai sót và vi phạm tố tụng... phải xem xét huỷ. Vấn đề đặt ra thế nào là lỗi không quá lớn không cần thiết huỷ án? Là người cầm cân, nẩy mực, chí công vô tư, thẩm phán phải cẩn trọng khi hành xử công vụ, cân nhắc kỹ lưỡng khi xét xử, tuyên án và ban hành án văn, tránh để xảy ra kháng cáo, kháng nghị, mà dù cho có kháng cáo, kháng nghị thì toà cấp trên cũng không có căn cứ để huỷ, sửa án mà vẫn y án sơ thẩm. Sai lầm của toà án cấp sơ thẩm dù cố ý hay vô ý cũng phải được chấn chỉnh kịp thời, không nên cả nể. Có như vậy, xã hội sẽ nhìn nhận các cấp toà án giải quyết án công minh, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, tạo được niềm tin của người dân.

Không thể chấp nhận gặp án khó thì thẩm phán “ngâm tôm” không giải quyết. Gặp vụ án phức tạp, thẩm phán thụ lý án phải nghiền ngẫm hồ sơ, tham khảo đồng nghiệp, kể cả cấp trên để tìm ra hướng giải quyết phù hợp, nếu do dự, chần chừ không đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn, thì lãnh đạo cơ quan chủ quản phải có biện pháp xử lý kỷ luật tương thích. Thẩm phán nào không hoàn thành nhiệm vụ phải cho về “vườn đuổi gà”, loại bỏ những thẩm phán bất tài, thiếu cả tâm lẫn tầm!

Nội dung bản án hết sức quan trọng. Do vậy, là người nhân danh công lý thẩm phán phải giải quyết án sao cho đúng luật, không được để xảy ra sai sót. Luật vẫn là luật, không dung túng tình trạng: tuy có vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ việc. Nếu cấp trên mở lượng khoan hồng, dung thứ cấp dưới thì đâu còn kỷ cương phép nước?

Giãi bày của các thẩm phán tại hội nghị khó có thể chấp nhận. Nền tư pháp nước nhà thời hội nhập đòi hỏi phải nâng cao năng lực  chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm phán, đòi hỏi phán quan nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc “phụng công, thủ pháp”, đã làm sai thì phải được sửa sai, có như thế mới mong hạn chế oan sai đối với những ai lâm vào tình cảnh “vô phúc đáo tụng tình”.

Tin tức khác


   Trang sau >>