ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI

 

Đôi điều suy nghĩ về biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Công ty Luật TNHH Anphana)

Theo báo cáo tình hình phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên, từ năm 2006 đến 2010 cả nước phát hiện gần 500 nghìn vụ với gần 76 nghìn em vi phạm pháp luật, tăng hơn 3.000 vụ so với 5 năm trước đó. Trong đó đối tượng nam giới chiếm 73.000 em (96,4%), nữ giới chiếm hơn 2.700 em (3,6%). Số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm 20% so với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc. Địa phương xảy ra nhiều nhất là TPHCM (hơn 3.300 vụ), Đồng Nai (hơn 2.200 vụ), tiếp đến là các tỉnh Khánh Hoà, Đắk Lắk và Hà Nội... Tình hình phạm tội lứa tuổi chưa thành niên tăng, một số loại án tăng cao là “cướp giật tài sản” chiếm 63,85%; giết người tăng 38,7% về số người vi phạm pháp luật. Trung bình hằng năm xảy ra trên 10.000 vụ vi phạm pháp luật với trên 13.000 đối tượng. Trong đó, số trẻ em vi phạm pháp luật ở độ tuổi 16 - 18 chiếm đến 67,1% (nguồn từ Bộ Công an)

Đáng chú ý, đối tượng gây án chủ yếu là những em bỏ học, bỏ nhà sống lang thang (40,9%); số thanh, thiếu niên tụ tập thành băng nhóm, bạo lực học đường diễn ra phức tạp. Số vụ án do người chưa thành niên phạm tội lần 2 trở lên chiếm tỷ lệ cao (44,8%) . Trẻ em nghiện ma tuý, trẻ bị nhiễm HIV, mang thai sớm, bỏ học, vi phạm pháp luật khác... vẫn diễn ra nhiều nơi, với diễn biến và tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, chỉ tính riêng trong năm 2010, trên địa bàn cả nước có 13.572 đối tượng phạm tội là người chưa thành niên, trong đó 1.600 vụ học sinh đánh nhau, tăng nhiều lần so với những năm trước kể về số lượng phạm tội lẫn các vụ trọng án.

Theo Bộ Công an, năm 2010 số vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra tuy giảm so với năm 2009, nhưng mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn. Các vụ án do đối tượng vị thành niên gây ra không chỉ xuất hiện ở thành phố, thị xã mà còn ở cả các xã, bản làng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Về độ tuổi, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.

- Về cơ cấu tội phạm, theo thống kê mới nhất của VKSND Tối cao và Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, thì hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự con người, một số tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Trong đó tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, đặc biệt là giết người chiếm 1,4% trong tổng số tội phạm do người chưa thành niên thực hiện.

- Về địa bàn hoạt động, các vụ vi phạm pháp luật và phạm tội do người chưa thành niên thực hiện không chỉ xảy ra ở các thành phố, thị xã mà còn xảy ra ở các vùng nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, ở những thành phố lớn thì tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn.

Theo số liệu gần đây về tội phạm chưa thành niên, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết: năm 2012, trong số 122.277 bị can bị khởi tố có tới 9904 bị can dưới 18 tuổi (chiếm 8,1%, tăng 7,4% so với năm 2011).

Trước tình hình tội phạm chưa thành niên ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi như hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên tăng hình phạt, giảm độ tuổi người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự, hay đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn ngừa người chưa thành niên phạm tội, vấn đề này còn nhiều bàn cãi và còn nhiều ý kiến khác nhau.

Qua nghiên cứu chuyên sâu về đối tượng này, chúng tôi nhận thấy trong thời gian vừa qua loại đối tượng này đã gây ra rất nhiều vụ án đau lòng và tình trạng phạm tội có rất nhiều diễn biến phức tạp. Và các yếu tố môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội đều đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục những trẻ em và thanh thiếu niên hư, đặc biệt là những thanh thiếu niên phạm tội.

Ở một góc độ khác, giáo dục ngoài nhà trường, chúng ta thử  đặt vấn đề: “Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi tại sao Việt Nam chưa có toà án tư pháp vị thành niên, toà án trẻ em? Tại sao khi Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em phối hợp với chính quyền các địa phương rất công phu để xây dựng được 162.000 cộng tác viên thôn bản nhưng khi giải thể Uỷ ban này thì số cộng tác viên trên chỉ cơ bản làm nhiệm vụ về dân số? Nhưng tới đây có thể lại tiếp tục cắt nguồn ngân sách 50.000 đ/tháng của các cộng tác viên này. Có phải chúng ta cần phải xem lại xem chúng ta có đang đi ngược với phương pháp giáo dục ngoài nhà trường của các nước trên thế giới hay không?”

Tham khảo vấn đề này ở một số nước,  như tại Nam Phi cán bộ làm công tác xã hội có rất nhiều quyền, có quan hệ chặt chẽ với toà án trẻ em, toà án tư pháp vị thành niên. Khi trẻ em vi phạm pháp luật, trách nhiệm giáo dục của cộng tác viên này là phối hợp với nhà trường, với ngành toà án và rất có hiệu quả. Qua đó, chúng tôi mạnh dạn đề nghị cần nghiên cứu cách làm trên để nâng cao vai trò cán bộ làm công tác xã hội ở các xã, phường, thôn bản hiện nay. Thành lập toà án tư pháp vị thành niên, toà án trẻ em như thế nào cho thực sự có hiệu quả để nâng cao giáo dục ngoài nhà trường. Nhấn mạnh, để giáo dục một trẻ em thành người có ích cho xã hội, chúng ta phải phối hợp chặt chẽ ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Ba chân kiềng này phải thật vững mạnh chứ không thể tăng hình phạt với trẻ vị thành niên phạm tội.

Tổng hợp các quan điểm, ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này đều có chung một quan điểm: trẻ em phạm pháp xuất phát từ nguyên nhân xã hội, nguyên nhân tổng hoà sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, quản lý nhà nước đối với xã hội nói chung, trong đó có các thiết chế về phòng ngừa chung và những chính sách khác đối với trẻ em. Các chuyên gia khẳng định, Việt Nam đã tham gia vào Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em thì giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên không phải bằng tăng hình phạt mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho trẻ em. Kinh nghiệm của nhiều nước khi có những vụ án gây bức xúc dư luận, báo chí đăng tải nhiều, dư luận nhiều thì tăng hình phạt nhưng sau đó trẻ em phạm pháp vẫn không giảm.

Về mặt pháp lý quốc tế cũng như đạo lý và đánh giá về nguồn gốc phát sinh tội phạm, chúng tôi thấy rằng phải bằng những giải pháp khác chứ không phải tăng hình phạt, trong đó có quản lý xã hội, giáo dục, chính sách”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung Ương Trần Văn Độ cho rằng: “Nói nguyên nhân của tình hình tội phạm chủ yếu do ý thức của người dân thấp là không đủ và không sâu xa. Chúng ta phải phân tích tại sao lại sinh ra ý thức đó, trong đó có vấn đề chính sách giáo dục…”. Chúng ta cứ loay hoay với việc xử thật nặng, xử thật nghiêm, chạy theo vi phạm là không ổn, không giải quyết được vấn đề. Do đó, cần phải phân tích sâu hơn các nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm và xác định các giải pháp, có yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện.

Theo GS.TS Hồ Trọng Ngũ, phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - an ninh, “xin dành chú ý đặc biệt cho một vấn đề đang rất nan giải hiện nay, đó là tình hình cuộc đấu tranh chống tội phạm vị thành niên”. Theo ông Ngũ, mỗi năm trung bình có đến 16.000-18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm 15-18% số tội phạm. Hơn 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí nóng hoặc hung khí, nhiều vụ rất dã man và mất hết tính người. Nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở mức độ như các tội ít nghiêm trọng.

Cử tri rất gay gắt cho rằng Nhà nước quá nương nhẹ, nhiều người đề nghị tăng nặng hình phạt đối với người chưa thành niên, thậm chí có ý kiến đề nghị áp dụng cả hình phạt tử hình đối với đối tượng chưa thành niên. Cũng theo ông Ngũ, không nên sửa Luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt vì trái với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, có thể xử lý vấn đề bằng một cách khác, đó là xác định lại tuổi thành niên cho hợp lý. Thực tế nhiều quốc gia đã quy định tuổi thành niên từ đủ 16, nhiều nước quy định tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự từ 12 tuổi và 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.

Một ý kiến khác của Đinh Văn Quế (Thẩm phán, Chánh toà Toà Hình sự, Toà án nhân dân tối cao) cho rằng: nếu sửa luật để trừng trị người phạm tội tham nhũng thì đây là yêu cầu cấp thiết nhưng nếu sửa luật để có chế tài nặng hơn đối với người chưa thành niên phạm tội thì đây lại là quan điểm nóng vội.

Đây không phải là lần đầu tiên có ý kiến đề nghị trị nghiêm người chưa thành niên, thậm chí đòi tử hình người phạm tội chưa đến 18 tuổi, nhất là sau khi có vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang. Không ai phủ nhận thực tế là người chưa thành niên phạm tội ngày một gia tăng nhưng chưa ai trả lời câu hỏi: nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là gì? Vì sao họ lại phạm tội nhiều như thế… để có giải pháp khắc phục. Nếu cho rằng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật của họ còn thấp, rất coi thường pháp luật thì “trừng trị” mới là biện pháp được xem xét đến. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này cũng nên lưu ý là thanh thiếu niên ngoài xã hội phạm tội cũng tương tự như trong gia đình có một đứa con hư. Nếu bố mẹ nóng mặt, bực tức đánh cho hả giận chỉ làm nó hư thêm khi đã “dạn đòn”. Trừng phạt chỉ là biểu hiện của sự bất lực, là hạ sách. Nếu người lớn bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao nó hư để có cách dạy dỗ, đứa trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

Một “định đề” mà ai cũng biết là người chưa thành niên có những hành động bạo lực hoặc phạm tội là do gia đình và xã hội, là do người lớn. Chúng ta luôn nói: thanh thiếu niên là tương lai của đất nước. Bồi dưỡng, giáo dục thanh, thiếu niên là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân chứ không chỉ riêng một cơ quan tổ chức nào. Thanh, thiếu niên hư, có những hành động bạo lực hoặc phạm tội, gây bức xúc cho xã hội không phải do “Nhà nước quá nương nhẹ, lương tri đang bị thách thức” mà nó có nguyên nhân sâu xa trong tất cả vấn đề xã hội, đặc biệt trong vấn đề chính sách kinh tế-xã hội, chính sách việc làm, chính sách lao động, chính sách giáo dục... Đỗ hết lỗi cho người chưa thành niên là chúng ta muốn rũ bỏ trách nhiệm của mình.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện rất đầy đủ trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt với họ chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết, cần hạn chế áp dụng hình phạt tù... Thế nhưng thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng chưa quan tâm áp dụng rộng rãi các biện pháp tư pháp ngoài hình phạt tù (giáo dục tại xã, phường, thị trấn), chiếu cố lắm mới cho hưởng án treo… Đòi sửa luật để trừng phạt nặng người chưa thành niên phạm tội là chưa nhận thức, áp dụng đầy đủ nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Nếu sửa luật để tăng hình phạt với họ thì có lẽ phải thay đổi luôn cả đường lối xử lý “chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Hãy chỉ rõ nguyên nhân rồi mới bàn đến giải pháp. Về vấn đề này, quan điểm của tác giả như sau: mục tiêu mà Nhà nước ta đang hướng đến là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do đó mọi chính sách của Đảng và Nhà nước trong đó có chính sách pháp luật đều hướng đến xây dựng một nhà nước pháp quyền, bảo vệ tối đa quyền con người. Các biện pháp cưỡng chế hình sự, tiêu biểu là hình phạt bên cạnh tính trừng trị còn nhằm mục đích giáo dục người phạm tội, giúp họ nhận ra sai lầm và tạo cho họ cơ hội để sửa chữa, sớm tái hoàn lương. Mục đích của hình phạt trong Bộ luật Hình sự nước ta hiện hành mang tính nhân văn và khoan hồng, khác với hình phạt của chế độ phong kiến, hình phạt không mang tính giáo dục mà mang nặng tính trừng trị, “có tội phải đền tội” hay “giết người phải đền mạng”. Bộ luật hình sự Việt Nam qui định chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên, họ là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ dưới cả hai góc độ, khi họ là người bị hại và cả khi họ là chủ thể của tội phạm, chính sách này của Nhà nước ta thể hiện rõ và nhất quán, đồng thời cũng phù hợp với Công ước quốc tế của Liên hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam đã ký kết.

Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội nhằm giáo dục, giúp đỡ họ nhận ra sai lầm và sửa chữa để phát triển thành công dân tốt, bởi nếu khi áp dụng hình phạt với họ chỉ nhằm trừng trị mà không cải tạo, giáo dục họ thì khi chấp hành xong hình phạt, ho lại tái phạm thì việc áp dụng hình phạt không có ý nghĩa, lúc đó mục đích mà chúng ta đã đặt ra cũng không đạt được gì cả.

Do đó, theo tác giả, muốn đấu tranh phòng chống tội phạm chưa thành niên hiệu quả, thì phải tìm ra những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh loại tội phạm này, từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm chưa thành niên phát sinh. Cũng giống như người thầy thuốc, muốn chữa hết bệnh cho bệnh nhân phải tìm được đúng bệnh và áp dụng đúng pháp đồ điều trị. Nên việc tăng mức hình phạt hay giảm tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên không phải là giải pháp khả thi và hiệu quả, mà đôi khi còn phản tác dụng.

Tin tức khác


   Trang sau >>