MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VÀ KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Đoàn Luật sư TP.HCM được mời tham dự Hội thảo và trình bày tham luận đối với Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

Trang Website Đoàn Luật sư TP.HCM xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của Luật sư Trần Tuấn Giang (Đoàn Luật sư TP.HCM) đến Quý Luật sư đồng nghiệp tham khảo.

Tám điểm mới của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có một số điểm mới sau:

Một là, cơ sở pháp lý rất rõ ràng về việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung về kinh doanh bảo hiểm phục vụ công tác quản lý, giám sát, phân tích, dự báo về thị trường bảo hiểm và phòng, chống gian lận bảo hiểm (Điều 11, 12 Dự thảo).

Hai là, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Điều 5):

-    Nâng cao hiệu quả hoạt động

-    Hiện đại hóa công tác thống kê, báo cáo

-    Xây dựng cơ sở dữ liệu về KDBH, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác

- Cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng.

Ba là, các quy định về hợp đồng bảo hiểm (Chương II) đã được bổ sung, hoàn thiện rất rõ ràng, đồng bộ với quy định của Bộ Luật dân sự về giao dịch dân sự, hợp đồng. Cụ thể:

- Bổ sung, hoàn thiện quy định liên quan đến nội dung, hình thức, hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm

- Các trường hợp đơn phương, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng được xác định rõ ràng

- Điều khoản về đơn phương chấm dứt hợp đồng và hợp đồng bảo hiểm vô hiệu không còn bị trùng lặp, gây khó hiểu và giảm thiểu tranh chấp.

- Bổ sung các vấn đề đặc thù của hợp đồng bảo hiểm (thời gian cân nhắc, bảo hiểm tạm thời…)

- Bổ sung quy định về bảo hiểm nhóm

Bốn là, cải cách thủ tục hành chính về việc phát triển sản phẩm bảo hiểm (Điều 86).

Năm là, cụ thể hóa hoạt động thuê ngoài vào Luật (Điều 88).

Sáu là, minh bạch thông tin về doanh nghiệp thông qua các quy định về công khai thông tin (Điều 101, 102, 103).

Bảy là, nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp, bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm và các bên liên quan trong việc phòng, chống gian lận bảo hiểm (Điều 106).

Tám là, Phương thức quản lý tài chính, quản trị doanh nghiệp được chuyển đổi từ mô hình Solvency I sang mô hình RBC:

- Vốn được xác định trên cơ sở rủi ro (rủi ro bảo hiểm, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro khác) của từng doanh nghiệp cụ thể (Điều 107); Phải đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo luật định (Điều 108)

- Quy định rõ về công khai thông tin (định kỳ, thường xuyên, bất thường)

Một số kiến nghị đối với dự thảo

Thứ nhất, kiến nghị loại bỏ khoản 3 Điều 19 về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (“3. Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.”) ra khỏi Dự thảo Luật.

Lý do: Việc áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm không phụ thuộc vào việc bên mua bảo hiểm có kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm hay không.

Quy định này gây khó hiểu, có thể dẫn đến áp dụng sai trong quá trình tranh chấp giữa các bên liên quan

Thứ hai: Kiến nghị bổ sung thêm khoản 4 vào Điều 30 về thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường như sau: “4. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền từ chối giải quyết hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường được nộp không đúng quy định tại Điều này”.

Lý do: Cần thiết quy định cụ thể, rõ ràng về hệ quả xử lý tình huống phát sinh

Thứ ba: Kiến nghị loại bỏ khỏi mục a, khoản 2, Điều 88 về hoạt động thuê ngoài đoạn sau: “Quy chế quản lý hoạt động thuê ngoài phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoặc cấp có thẩm quyền của của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phê duyệt;”.

Lý do: Việc đặt ra yêu cầu này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Thay vào đó, nên cho phép các doanh nghiệp được quyền chủ động thực hiện các thủ tục phê duyệt nội bộ cần thiết theo đúng Điều lệ và các quy định nội bộ của mình trong việc sử dụng các dịch vụ thuê ngoài.

Luật sư Trần Tuấn Giang (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Tin tức khác


   Trang sau >>